BỘ NỘI VỤ TỔ CHỨC XIN Ý KIẾN VÀO DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG (SỬA ĐỔI)
Ngày 29/12/2024, Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, địa phương vào dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương sửa đổi: Theo đó, dự thảo Bộ Nội vụ xin ý kiến gồm 08 chương, 70 điều (giảm 73 điều so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi năm 2019), cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh, các quy định chung về đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương và với Nhân dân.
- Chương II: Tổ chức đơn vị hành chính, gồm 8 điều (từ Điều 9 đến Điều 16). Chương này quy định về nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính; về lấy ý kiến Nhân dân, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
- Chương III: Phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, gồm 5 điều (từ Điều 17 đến Điều 21). Chương này quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, uỷ quyền giữa chính quyền địa phương các cấp.
- Chương IV: Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, gồm 16 điều (từ Điều 22 đến Điều 37). Chương này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn chung của chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở từng đơn vị hành chính.
- Chương V: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, gồm 14 điều (từ Điều 38 đến Điều 51). Chương này quy định cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân và hoạt động của Hội đồng nhân dân.
- Chương VI: Tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân, gồm 10 điều (từ Điều 52 đến Điều 61). Chương này quy định cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân các cấp và chế độ làm việc, hoạt động của Ủy ban nhân dân ở từng đơn vị hành chính.
- Chương VII: Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong một số trường hợp đặc biệt, gồm 06 điều (từ Điều 62 đến Điều 67). Chương này quy định về tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong các trường hợp giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
- Chương VIII: Hiệu lực thi hành, gồm 3 điều (từ Điều 68 đến Điều 70). Chương này quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp, điều khoản áp dụng về phân định thẩm quyền giữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương với các luật chuyên ngành và việc hướng dẫn thực hiện Luật.
Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi 2019), dự thảo Luật có những điểm mới chủ yếu về:
Một là: Tổ chức đơn vị hành chính, thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;
Hai là: Phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương;
Ba là: Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp;
Bốn là: Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp;
Tổ chức chính quyền địa phương tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; tại quận, phường, xã, thị trấn tổ chức chính quyền địa phương là Ủy ban nhân dân.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ về việc sơ kết 03 năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã mang lại kết quả tích cực (Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng không tổ chức HĐND tại quận, phường; thành phố Hà Nội không tổ chức HĐND tại phường) đã góp phần giảm đầu mối cấp chính quyền địa phương, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước. Đảm bảo tính thống nhất, thông suốt hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn của nền hành chính. Việc đề xuất không tổ chức HĐND cấp xã đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức, bộ máy.
Đối với tỉnh Sơn La, thực hiện Công văn số 8285/BNV-CQĐP ngày 18/12/2024 về việc xin ý kiến vào phương án không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND) tại đơn vị hành chính cấp xã. Kết quả xin ý kiến của HĐND, UBND cấp xã về việc không tổ chức HĐND cấp xã nhận được sự đồng thuận lớn của HĐND và UBND cấp xã cụ thể: 163/204 HĐND cấp xã tán thành, chiếm 80%; 173/204 UBND cấp xã tán thành, chiếm 85%.
Trong thời gian tới, Sở Nội vụ nghiên cứu, dự thảo Luật và các văn bản có liên quan để tham mưu UBND tỉnh góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi (có dự thảo Luật gửi kèm theo).