MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XVI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2026-2031
Về ngày bầu cử: Theo Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 16/5/2025 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, ngày bầu cử được tổ chức vào ngày 15/3/2026.
Ngày 24/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Luật gồm 02 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025. Sau khi được sửa đổi năm 2025, cuộc bầu cử ngày 15/3/2026, bao gồm một số nội dung cụ thể sau:
Các ĐBQH tham gia biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 - Ảnh nguồn Báo Điện tử Chính phủ
Thứ nhất: Việc thành lập các tổ chức bầu cử ở địa phương (thực hiện theo các Điều 21, 22, 24, 25 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 (đã được sửa đổi tại khoản 6, 7, 8 Điều 1 Luật số 83/2025/QH15).
- Ủy ban bầu cử
+ UBND tỉnh, các xã, phường sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Uỷ ban bầu cử ở cấp mình để quyết định thành lập Uỷ ban bầu cử tỉnh hoặc xã, phường.
Ủy ban bầu cử ở tỉnh có từ 23-37 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên là đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Ủy ban bầu cử ở xã có 9-17 thành viên, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
+ Thời gian thành lập: Chậm nhất 105 ngày trước ngày bầu cử.
- Ban Bầu cử
+ UBND tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử. Ban bầu cử đại biểu Quốc hội có từ 9-17 thành viên gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, Thư ký và các Ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan. Thời gian thành lập: Chậm nhất 70 ngày trước ngày bầu cử.
+ UBND tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh ở mỗi đơn vị bầu cử. Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có từ 11-15 mười lăm thành viên.
+ UBND các xã, phường sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình một Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có từ 9-15 thành viên. Ban bầu cử gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, Thư ký và các Ủy viên. Thời gian thành lập: Chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.
- Tổ Bầu cử
UBND xã, phường sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử. Tổ bầu cử có từ 11-21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương. Thời gian thành lập: Chậm nhất là 43 ngày trước ngày bầu cử.
Đối với đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng được thành lập một Tổ bầu cử có từ 5-9 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó.
Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung một khu vực bỏ phiếu thì UBND cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân quyết định thành lập Tổ bầu cử có từ 11-21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương, đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân.
Ảnh minh họa
Thứ hai: Tổ chức các Hội nghị hiệp thương (thực hiện theo các Điều 50, 53, 56 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 (đã được sửa đổi tại khoản 14 , 16, 18 Điều 1 Luật số 83/2025/QH15).
- Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất ở mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức. Thành phần tham gia gồm Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp được mời tham dự hội nghị này. Thời gian tổ chức: chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử.
+ Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp tỉnh thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới trên địa bàn
+ Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp xã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, thôn, tổ dân phố trên địa bàn.
+ Biên bản hội nghị hiệp thương phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp xã được gửi ngay đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp
- Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai ở mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức. Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ hai thực hiện như thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Thời gian tổ: chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử.
+ Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) của người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
+ Biên bản hội nghị hiệp thương phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp xã được gửi ngay đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp
- Hội nghị Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức. Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ ba thực hiện như thành phần tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Thời gian tổ: chậm nhất là 23 ngày trước ngày bầu cử.
+ Hội nghị hiệp thương lần thứ ba căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
+ Biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến và kết quả hội nghị.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp xã được gửi ngay đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Thứ ba: Hồ sơ ứng cử và thời gian nộp Hồ sơ người ứng cử (thực hiện theo Điều 35, 36 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 (đã được sửa đổi tại điểm d khoản 23 Điều 1 Luật số 83/2025/QH15) cụ thể:
- Thời gian: Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật này phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 42 ngày trước ngày bầu cử.
- Hồ sơ ứng cử bao gồm: (1) Đơn ứng cử; (2) Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; (3) Tiểu sử tóm tắt; (4) Ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm; (5) Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn thi hành cụ thể chi tiết về nội dung này.
Thứ tư: Niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử (thực hiện theo Điều 59 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 (đã được sửa đổi tại điểm k khoản 23 Điều 1 Luật số 83/2025/QH15).
Chậm nhất là 16 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở khu vực bỏ phiếu.
Thứ năm: Về thời gian bỏ phiếu (thực hiện theo Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015)
- Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7h sáng đến 19h cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.
- Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.
- Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
Thứ sáu: Bầu cử thêm, bầu cử lại và hủy bỏ kết quả bầu cử và quyết định bầu cử lại (thực hiện theo Điều 79, 80, 81 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 (đã được sửa đổi tại điểm l khoản 23 Điều 1 Luật số 83/2025/QH15).
- Bầu cử thêm
Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 07 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai.
- Bầu cử lại
Trong trường hợp bầu cử lại thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 07 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên. Nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.
- Hủy bỏ kết quả bầu cử và quyết định bầu cử lại
Hội đồng bầu cử quốc gia tự mình hoặc theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh hủy bỏ kết quả bầu cử ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đó.
Trong trường hợp bầu cử lại thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 07 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên.
Thứ bảy: Công bố kết quả bầu cử và danh sách chính thức người trúng cử (thực hiện theo Điều 86 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 (đã được sửa đổi tại điểm m khoản 23 Điều 1 Luật số 83/2025/QH15).
- Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.
- Ủy ban bầu cử căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.
Thứ tám: Giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử (thực hiện theo Điều 87 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 (đã được sửa đổi tại điểm n, o khoản 23 Điều 1 Luật số 83/2025/QH15).
- Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội.
Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi đến Ủy ban bầu cử chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Ủy ban bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
- Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.
Ngoài ra, Luật hướng dẫn hội nghị tiếp xúc cử tri và một số nội dung khác phải tiến hành trong cuộc bầu cử.