Điểm tin trong ngày
  • Màn chào hỏi của công đoàn sở nội vụ Tỉnh Sơn La
  • Dấu ấn tình nguyện hè xanh
Trang đầu « 1 » Trang cuối 
Thông tin về các tổ chức Tin Lành đã được nhà nước Việt Nam công nhận, chưa được công nhận.
Lượt xem: 26425
I. Các tổ chức Tin Lành đã được Nhà nước Việt Nam công nhận 1. Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam)           Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), tiền thân là "Hội Tin Lành Đồng Pháp" thành lập năm 1927. Hội thánh được Nhà nước công nhận tổ chức năm 2001, hoạt động theo đường hướng "Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc". Hiện là tổ chức Tin Lành lớn nhất Việt Nam. Hội thánh có khoảng 700 ngàn tín đồ, 1.106 chức sắc, 631 chi hội, 1.677 hội nhánh và điểm nhóm, 01 Viện Thánh kinh Thần học, phạm vi hoạt động ở 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Quảng Trị trở vào. Cơ quan lãnh đạo Hội thánh là Ban Trị sự Tổng Liên hội; trụ sở đặt tại số 155, đường Trần Hưng Đạo, quận 1, Tp Hồ Chí Minh. 2. Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc)           Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) vốn cùng tổ chức với Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam). Hội thánh được thành lập năm 1955 trên cơ sở chia tách từ Hội thánh Tin Lành Việt Nam vì lý do chiến tranh và bối cảnh chia cắt đất nước vào năm 1954. Hội thánh được Nhà nước công nhận vào khoảng năm 1958, từ đó đến nay Hội thánh là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội thánh hoạt động theo đường hướng tiến bộ Kính Chúa Yêu nước. Hiện Hội thánh là tổ chức Tin Lành lớn nhất ở phía Bắc Việt Nam với khoảng 160 ngàn tín đồ, 21 Hội thánh cơ sở, hơn 1 ngàn điểm nhóm, 1 trường Thánh kinh Thần học Hà Nội, phạm vi hoạt động từ tỉnh Quảng Bình trở ra; trụ sở chính đặt tại số 02 Ngõ Trạm, Hà Nội. Cơ quan lãnh đạo là Ban Trị sự Tổng hội. 3. Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam Thành lập ngày 01/9/1956 do một số mục sư, truyền đạo vốn là thành viên sáng lập Hội thánh Tin Lành Việt Nam, trong đó có giáo sĩ Gordon Smith - nguyên là giáo sĩ của Hội Truyền giáo CMA. Hội thánh được Nhà nước công nhận tổ chức vào 2007, hoạt động theo đường hướng: "Sống phúc âm, phụng sự Tổ quốc và Dân tộc".  Theo khai trình của Giáo hội, Hội thánh có khoảng 33 ngàn tín đồ, 11 Hội thánh cơ sở, gần 200 điểm nhóm. Trụ sở chính đặt tại tổ 41, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng. Cơ quan lãnh đạo Hội thánh là Ban Trị sự Tổng hội. 4. Tổng hội Báp-tít Việt Nam, tên gọi cũ là Tổng hội Báp-tít Việt Nam (Ân điển - Nam Phương) Được thành lập vào ngày 18/11/1962 thuộc hệ phái Báp-tít Nam Phương (Hoa Kỳ). Năm 2008, Tổng hội được Nhà nước công nhận tổ chức. Hội thánh hoạt động theo đường hướng "Sống theo phúc âm, phục vụ Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc". Hiện Hội thánh có trên 5 ngàn tín đồ, 9 Hội thánh cơ sở, 64 điểm nhóm hoạt động ở phạm vi 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam. Cơ quan lãnh đạo Hội thánh là Ban Chấp hành Tổng hội. Trụ sở chính của Tổng hội tại nhà thờ Ân Điển (161 Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Hồ Chí Minh). 5. Giáo hội Báp-tít Việt Nam (tên gọi cũ là Hội thánh Báp-tít Việt Nam (Nam Phương) Cùng gốc với Tổng hội Báp-tít Việt Nam, hình thành ở Việt Nam trước năm 1975, phục hồi hoạt động vào năm 1986. Hội thánh được Nhà nước công nhận vào năm 2008, hoạt động theo đường hướng: "Kính Chúa, yêu người, sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc, gắn bó dân tộc và tuân thủ pháp luật". Theo khai trình của Giáo hội, Hội thánh hiện có khoảng 43 ngàn tín đồ, 11 Hội thánh cơ sở,  hơn 500 điểm nhóm và hội nhánh, hoạt động ở 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ quan lãnh đạo Hội thánh là Ban Chấp hành. Trụ sở tạm thời của Hội thánh tại A11 - KDC Đại học Bách khoa, đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. 6. Hội thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam Hệ phái Trưởng lão truyền vào miền Nam Việt Nam từ năm 1968 và được chính quyền Sài Gòn cấp phép hoạt động năm 1972. Sau năm 1975 ngừng hoạt động về mặt tổ chức và phục hồi hoạt động vào năm 1989. Năm 2008 Hội thánh được Nhà nước công nhận về mặt tổ chức. Hội thánh hoạt động theo đường hướng: "Hết lòng thờ phượng Ba ngôi Đức Chúa Trời, Kính Chúa, Yêu người, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc, dân tộc, tuân thủ pháp luật". Hiện Hội thánh có khoảng 15 ngàn tín đồ, trên dưới 200 điểm nhóm, hoạt động ở 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam. Cơ quan lãnh đạo Hội thánh là Hội đồng Quản trị. Trụ sở tạm thời tại địa chỉ 542 (số cũ là 664), Điện Biên Phủ, phường 11, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. 7. Hội thánh Mennonite Việt Nam           Hệ phái Mennonite vào hoạt động ở miền Nam từ năm 1954 dưới danh nghĩa một tổ chức cứu trợ xã hội với tên gọi là Ủy ban Trung ương Mennonite (Mennonite Central Commitee - MCC). Sau năm 1975 hầu hết các cơ sở của Hội thánh hiến cho các hoạt động từ thiện xã hội. Hội thánh mới khôi phục hoạt động vào năm 1981 sau khi MCC trở lại viện trợ nhân đạo ở Việt Nam. Năm 2009 Hội thánh được Nhà nước công nhận tổ chức. Hiện Hội thánh có khoảng 10 ngàn tín đồ, 5 chi hội, gần 90 điểm nhóm và hội nhánh, hoạt động tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (chủ yếu ở phía Nam). Hội thánh hoạt động theo đường hướng: "Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và đồng hành cùng dân tộc". Cơ quan lãnh đạo Hội thánh là Ban Trị sự Tổng hội. Trụ sở tạm thời đặt tại 67/107 Bùi Đình Túy, phường 12, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. 8. Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam Nguồn gốc từ Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), được chính quyền cũ công nhận năm 1974. Sau năm 1975, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam hoạt động mờ nhạt cho đến những năm 80 của thế kỷ XX mới hoạt động trở lại. Năm 2010, Hội thánh được Nhà nước công nhận tổ chức, hoạt động theo đường hướng: "Trung thành với chân lý Kinh thánh, đồng hành cùng Dân tộc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật". Hội thánh tự nhận mình đứng giữa Tin Lành truyền thống (CMA) và Ngũ tuần. Hiện nay, Hội thánh khai trình có khoảng 180 ngàn tín đồ, 2 Hội thánh địa phương, hơn 1 ngàn điểm nhóm, có mặt 54 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Cơ quan lãnh đạo Hội thánh là Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng hội. Trụ sở chính tại số 14/6B Tam Đông, Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. 9. Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam Tổ chức Hội chúng của Chúa (Assemblies of God - AG) thuộc hệ phái Ngũ tuần có mặt ở Sài Gòn năm 1957, đến năm 1973 Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn ra văn bản cho phép hoạt động. Sau năm 1975 Hội thánh ngưng hoạt động về phương diện tổ chức. Tin Lành Ngũ tuần phục hồi hoạt động trở lại vào năm 1989 với sự xuất hiện của nhiều nhóm khác nhau như Hội chúng Ngũ tuần, Phúc âm Toàn vẹn, Hội thánh Tin Lành Đức Tin, Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo,... trong đó Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần lớn hơn cả. Hiện Hội thánh có khoảng 36 ngàn tín đồ, hoạt động ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cơ quan lãnh đạo của Hội thánh là Ban Tổng quản trị. Trụ sở tạm thời tại Tòa nhà New City Group, số 216 - 218 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Hội thánh mới được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, chưa phải là tổ chức tôn giáo hoàn chỉnh. Hội thánh hoạt động theo đường hướng "Sống theo lời Chúa, phục vụ tha nhân, phục vụ Tổ quốc và dân tộc". Ngoài 09 tổ chức Tin Lành trên, còn có 02 tổ chức dưới đây không phải là đạo Tin Lành nhưng cũng được xếp vào "Gia đình Tin Lành" dưới góc độ quản lý nhà nước.  * Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam (thuộc tôn giáo Cơ đốc Phục lâm)           Vào Việt Nam năm 1929 do Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Ngày Thứ Bảy (trụ sở tại Mỹ) truyền vào. Từ sau năm 1975 đến nay Giáo hội tồn tại độc lập với Tổng hội Toàn cầu về mặt tổ chức. Năm 2008, Giáo hội được Nhà nước công nhận và hoạt động theo đường hướng: "Hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi hằng sống, yêu thương và giúp đỡ đồng loại, sống theo Kinh thánh Cựu ước và Tân ước, tuân giữ hoàn toàn theo luật pháp mười điều răn để mỗi người cơ đốc sẵn sàng chờ đó sự phục lâm của Chúa Giê-su Cơ đốc, đồng thời phục vụ Tổ quốc, gắn bó dân tộc và tuân thủ pháp luật". Đến cuối năm 2016, Giáo hội có gần 14 ngàn tín đồ (đã Báp-têm), hơn 100 điểm nhóm, hoạt động ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan lãnh đạo Giáo hội là Ban Quản trị Giáo hội.           * Ban Đại diện Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu - Kitô Việt Nam (thuộc tôn giáo Mặc Môn)           Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê-su - Kitô (The Church of Jesus Christ of the Latter-Day Saints, viết tắt LDS) ở Việt Nam thường được gọi là Giáo hội Mặc Môn, tôn giáo Mặc Môn (Mormon). Tôn giáo  Mặc Môn được truyền vào Việt Nam từ năm 1962, là cấp giáo hạt thuộc vùng châu Á nằm trong giáo hội toàn cầu, được chính quyền Sài Gòn (cũ) cấp đăng ký hoạt động vào năm 1967. Sau năm 1975, tôn giáo Mặc Môn tạm ngưng hoạt động về mặt tổ chức, một số tín đồ di tản ra nước ngoài, một số tín đồ hoạt động tại gia. Năm 1995 Giáo hội Mặc Môn bắt đầu hoạt động trở lại và được công nhận Ban Đại diện lâm thời vào năm 2014, công nhận Ban Đại diện chính thức vào năm 2016. Hiện nay tôn giáo Mặc Môn ở Việt Nam có khoảng 1000 tín đồ, tập trung chủ yếu tại Thành phố  Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Trụ sở đặt tại phòng 1094, tầng 19, tòa nhà Landmark Keangnam, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. II. Các tổ chức Tin Lành chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận Ngoài các tổ chức đã được Nhà nước công nhận nêu trên, ở Việt Nam còn có hơn 70 tổ chức Tin Lành chưa được Nhà nước công nhận về tổ chức do chưa đủ điều kiện quy định tại Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Tính đến tháng 3/2015, các tổ chức này có khoảng 79 ngàn người tin theo trong đó khoảng 14 ngàn, tương đương với 17,8% tín đồ là thị dân (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Khánh Hòa)  60 ngàn tín đồ, tương đương với 75,9% tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số (phân bố ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước). Tuy chưa được Nhà nước công nhận về tổ chức, nhưng các tổ chức Tin Lành cũng đã công nhận và tấn phong khoảng 350 chức sắc. Tất cả các tổ chức Tin Lành chưa được công nhận hiện nay ở Việt Nam đều không có cơ sở tôn giáo, kể cả những tổ chức có nguồn gốc hình thành từ trước năm 1975./.   Bài viết: Nguyễn Biên Cương – Phó trưởng phòng Tôn giáo

 

image advertisement











 Bản quyền thuộc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La.

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 9 tầng - Khu Trụ sở HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh và một số Sở, ban, ngành của tỉnh. Phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lương Thị Như Hoa - Giám đốc Sở


ĐT: Văn phòng sở (0212).3752.630 - Phòng CCHC (0212).3751.890 FAX: (0212).3855.743 
E-mail: snv@sonla.gov.vn - Website:http://sonoivu.sonla.gov.vn
Được thiết lập theo Giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp số: 06/GP-TTĐT ngày 19/6/2019 của Sở Thông tin và Truyền thông.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang