Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La
Năm 2025 được xác định là năm “tăng tốc, bứt phá”, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Ngay từ đầu năm 2025, với tinh thần quyết liệt đổi mới, sáng tạo, UBND tỉnh đã ban hành những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung vào phát triển kinh tế xã hội phải gắn với đẩy mạnh cải cách hành ch&iac
Các cơ quan, đơn vị đã tích cực đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch cải cách hành chính năm 2025, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ, hoàn thành 31/75 nhiệm vụ, đạt 41,33%. Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác CCHC, công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Tổ chức đánh giá, xếp loại và công nhận mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và tổ chức hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh Sơn La. Báo cáo Bộ Nội vụ kết quả tự đánh giá, chấm điểm tiêu chí, tiêu chí thành phần Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2024 theo đúng thời gian quy định. Chỉ số CCHC (Par Index) tỉnh Sơn La năm 2024 đạt 90,02%, tăng 1,36%, tăng 01 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2023; xếp thứ 12/63 tỉnh/thành phố; thuộc nhóm A của cả nước, đứng thứ 4/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (năm 2023 đạt 88,66%, tăng 1,88%, xếp thứ 13/63 tỉnh/thành phố, đứng thứ 6/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc). Báo cáo, đánh giá sơ kết 05 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh CCHC nhà nước giai đoạn 2026 – 2030; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị địa phương đã tiến hành sơ kết bảo đảm chất lượng, toàn diện, chuyên sâu, có sức lan tỏa tích cực tới toàn xã hội và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến chính quyền cơ sở.
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên và có nhiều kết quả tích cực. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được chú trọng, chất lượng được nâng lên; quy trình xây dựng và thẩm định được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tiếp nhận và thẩm định 142 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định. Tham gia ý kiến bằng văn bản đối với 56 dự thảo văn bản của Trung ương và 66 dự thảo văn bản của địa phương. Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành hết hiệu lực đến ngày 31/12/2024 với tổng số 96 văn bản, trong đó 81 văn bản hết hiệu lực toàn phần, 15 văn bản hết hiệu lực một phần. Cập nhật 62 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Tập trung rút ngắn tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2025. Công bố 18 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính và phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính của các sở; tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương là 1.743 thủ tục hành chính (bao gồm cả thủ tục hành chính của các cơ quan ngành dọc). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn đạt trên 97%. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện thủ tục hành chính gắn với phân bổ nguồn lực và đề cao trách nhiệm thực thi của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bảo đảm công khai, minh bạch và thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi toàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định về tổ chức bộ máy, cán bộ, biên chế, chế độ, chính sách. Công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế trên địa bàn tỉnh được thực hiện với tinh thần khẩn trương và quyết liệt, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong bối cảnh mới. Tham mưu cho Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo 398 triển khai, thực hiện có hiệu quả Công văn số 35-CV/BCĐTKNQ18 ngày 23/01/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương; Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương. Ngày 20/02/2025, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị công bố các quyết định về tổ chức bộ máy và cán bộ khối chính quyền Nhà nước, cụ thể: sau khi sắp xếp UBND tỉnh có 14 cơ quan chuyên môn trực thuộc (giảm 5 sở); giảm từ 144 phòng xuống còn 120 phòng chuyên môn cấp huyện (10 phòng/huyện); giảm từ 17 hội xuống còn 13 hội. Tham gia ý kiến việc thành lập, kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành; thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý chặt chẽ, đúng quy trình, quy định.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, triển khai thực hiện Đề án quản lý biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập các tổ chức hội đặc thù và cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2023-2026; ban hành Quyết định giao 27.701 biên chế công chức và giao số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức hội đặc thù năm 2025; giao cơ cấu ngạch công chức, giao mã số, hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức năm 2025 thuộc 09 cơ quan, đơn vị. Ban hành, triển khai Kế hoạch tinh giản biên chế năm 2025, phê duyệt danh sách tinh giảm biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP đối với 60 trường; giải quyết nghỉ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ đối với 211 trường hợp. Triển khai, hướng dẫn kịp thời các quy định của cấp có thẩm quyền về công tác quản lý đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sơn La năm 2025. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tỉnh Sơn La đã hoàn thành hồ sơ và Đề án trình cấp có thẩm quyền theo quy định, như vậy, sau sắp xếp, tỉnh Sơn La giảm 12 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 01 thị xã, 10 huyện), giảm từ 204 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 188 xã, 07 phường, 09 thị trấn) còn 75 xã, phường (gồm 67 xã và 08 phường), giảm 129 đơn vị hành chính cấp xã.
Triển khai có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Để đảm bảo kịp thời chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, đảm bảo theo quy định về phân cấp quản lý của pháp luật hiện hành, trên cơ sở danh sách đối tượng hưởng chế độ, chính sách do ngân sách nhà nước chi trả được UBND tỉnh phê duyệt, định mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và hướng dẫn về nguồn kinh phí quy định tại Thông tư số 07/2025/TT-BTC, thực hiện phê duyệt số tiền trợ cấp cho từng đối tượng và quyết định phân bổ kinh phí cho các đơn vị dự toán tổ chức chi trả theo quy định, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tổng các nguồn vốn đầu tư công thực hiện trên địa bàn tỉnh là 6.626,012 tỷ đồng (tăng 13,003 tỷ đồng vốn chuyển nguồn theo Công văn số 2863/UBND-TH ngày 11/6/2025 của UBND tỉnh). Tính đến ngày, ngày 13/6/2025 giá trị giải ngân là 1.297,420 tỷ đồng, bằng 19,58% tổng kế hoạch vốn giao, bằng 21,15% kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết.
Việc xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số đã từng bước bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính. Tiếp tục tham mưu triển khai, duy trì có hiệu quả các nền tảng số dùng chung của tỉnh. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, khắc phục tình trạng hồ sơ của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Sơn La thông báo quá hạn trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến ngày 14/6/2025, tổng số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Sơn La đã cung cấp là 1.560 dịch vụ, trong đó: tỷ lệ DVC trực tuyến toàn trình đủ điều kiện 1.560/1.560 (đạt 100%); tỷ lệ DVC có phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến (toàn trình một phần) 319/380 (đạt 83,9%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình 58.486/62.123 hồ sơ (đạt 94,1%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến một phần 7.006/7.110 hồ sơ (đạt 98,5%); tỷ lệ TTHC được tích hợp, triển khai thanh toán trực tuyến 516/516 TTHC (đạt 100%)./.