Tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị tổng kết việc sắp xếp, sáp nhập các bản, thôn, xóm tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 14/9/2023 về tổng kết việc sắp xếp, sáp nhập và đặt tên bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; chiều 25/10/2023, đồng chí Lê Hồng Minh - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị tổng kết việc sắp xếp, sáp nhập và đặt tên bản, tiểu khu, tổ dân phố (gọi chung là bản) trên địa bàn tỉnh. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số ban Đảng của tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, lãnh đạo các ban, HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND, phòng Nội vụ các huyện, thành phố; Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBND một số xã trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Minh nhấn mạnh với quyết tâm chính trị rất cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 101/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 thông qua Đề án sắp xếp, sáp nhập các bản trên địa bàn tỉnh. Theo Đề án, số lượng bản cần sắp xếp rất lớn, tác động trực tiếp đến quyền lợi, tâm tư của người dân. Nhưng với sự lãnh đạo xuyên suốt, thống nhất của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở; các cấp chính quyền đã xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể, chi tiết, rõ việc, rõ trách nhiệm; phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là sự vào cuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, kết quả sắp xếp, sáp nhập bản đã đạt được nhiều kết quả như: từ năm 2019 đến nay tỉnh Sơn La thực hiện sắp xếp, sáp nhập 1.997 bản thành 920 bản. Toàn tỉnh giảm từ 3.324 bản xuống 2.247 bản (giảm 1.077 bản), giúp chính quyền cấp xã quản lý ít đầu mối hơn; giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm số người hưởng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; việc sắp sếp, sáp nhập để giảm số lượng bản là cơ sở để chính quyền điều chỉnh tăng mức phụ cấp, mức bồi dưỡng theo lộ trình. Chủ trương sắp xếp, sáp nhập bản là chủ trương lớn, nhận được sự đồng thuận của đại đa số cử tri, nhân dân và cả hệ thống chính trị.
Tại Hội nghị, đồng chí Lương Thị Như Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong việc sắp xếp, sáp nhập bản trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:
Thứ nhất: Về số lượng bản và quy mô của bản
Trước khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập bản toàn tỉnh có 3.324 bản, sau sắp xếp, sáp nhập bản hiện nay toàn tỉnh còn 2.247 bản, giảm 1.077 bản, giảm 32,4%.
Về quy mô: Sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập bản, số lượng bản không đạt 50% quy mô số hộ gia đình giảm mạnh từ 1.829 bản xuống còn 393 bản. Số bản đạt chuẩn về quy mô số hộ tăng từ 284 bản tăng lên thành 912 bản.
Thứ hai: Về giải quyết chế độ, chính sách, kiện toàn chức danh ở bản
Việc giảm 1.077 bản đã dẫn đến giảm khoảng 5.385 chi hội; giảm khoảng 10.000 người hoạt động không chuyên trách và người hưởng mức hỗ trợ. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ nghỉ việc đối với 9.971 người hoạt động không chuyên trách ở bản; người trực tiếp tham gia hoạt đông của bản với tổng kinh phí gần 12,9 tỷ đồng. Việc giải quyết chế độ, chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng.
Ngay sau khi có Nghị quyết HĐND tỉnh về sáp nhập, UBND cấp huyện, cấp xã đã chỉ đạo các bản kịp thời kiện toàn các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở bản; người trực tiếp tham gia hoạt động của bản và các tổ chức ở bản theo quy định. Việc bố trí, sắp xếp người hoạt động không chuyên trách gắn với việc kiện toàn, sắp xếp lại Chi bộ, Ban Công tác mặt trận, các tổ chức ở bản; tăng cường bố trí kiêm nhiệm một số chức danh nhằm giảm số lượng, phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện thực tiễn tại cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu thực tế và mức độ giải quyết công việc ở cơ sở; tính chất đặc thù, nhiệm kỳ của mỗi tổ chức.
Thứ ba: Việc sắp xếp, sáp nhập bản giúp tiết kiệm kinh phí, ngân sách: Giảm 1.077 bản tương ứng giảm khoảng 106 tỷ đồng/năm trong đó kinh phí chi trả phụ cấp và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị xã hội ở bản giảm 62 tỷ đồng/năm.
Thư tư: Việc rà soát thay đổi thông tin của các tổ chức, cá nhân và rà soát phương án quản lý về cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá thể thao...
Việc sắp xếp, sáp nhập bản dẫn đến các thông tin của các tổ chức, cá nhân có thay đổi, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nội dung có liên quan đến việc sáp nhập và đặt tên bản, tiểu khu, tổ dân phố như: thông tin về địa chỉ nơi cư trú, căn cước công dân; việc cấp đổi giấy phép lái xe của công dân; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thủ tục có liên quan đến đất đai qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân thực hiện việc chuyển đổi các loại hồ sơ, giấy tờ có liên quan, đảm bảo tiết kiệm thời gian, chi phí, đến nay, việc thay đổi thông tin của các tổ chức, cá nhân do thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập bản không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Việc sắp xếp, quản lý và xử lý tài sản công như nhà văn hóa được UBND tỉnh quan tâm trong đó chỉ đạo sát sao các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý các nhà văn hóa bản dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng đảm bảo lại theo quy định của Chính phủ. Đến nay, việc sắp xếp lại nhà văn hóa dôi dư đã cơ bản hoàn thành.
Thứ năm: Về tổ chức và hoạt động của các bản sau khi sắp xếp, sáp nhập
Hiện nay hoạt động của bản, tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội ở bản hoạt động tương đối ổn định và hiệu quả. Đối với chức danh người hoạt động không chuyên trách ở bản: sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập bản các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở bản; các chức danh như Phó Bí thư chi bộ, chi ủy viên; Phó Trưởng bản, công an viên, bản đội trưởng và các chức danh khác được kiện toàn và hoạt động ổn định góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư, góp phần ổn định tình hình an ninh - xã hội ở địa phương.
Ngoài ra, tại Hội nghị cũng tập trung thời gian để đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ, giải pháp công tác sắp xếp, sáp nhập bản trên địa bàn tỉnh giai đoạn tiếp theo.

Quang cảnh hội nghị
Kết luận Hội nghị đồng chí Lê Hồng Minh nhấn mạnh việc triển khai sắp xếp, sáp nhập bản là việc quan trọng, rất khó thực hiện, nhưng với quyết tâm cao, các cấp uỷ, chính quyền tỉnh Sơn La đã triển khai đạt hiệu quả cao. Để ổn định tổ chức, hoạt động của các bản sau khi sắp xếp, sáp nhập, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới các sở, ban, ngành; UBND các cấp cần tập trung một số nội dung cụ thể như sau:
Một là: tiếp tục thực hiện việc kiện toàn các chức danh người hoạt động không chuyên trách và thành lập các tổ chức ở bản theo quy định.
Hai là: thực hiện tốt việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở bản khi thôi đảm nhiệm chức danh; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định.
Ba là: các sở, ngành có liên quan; UBND cấp huyện, cấp xã tập trung chỉ đạo xử lý và giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh còn tồn tại sau khi sáp nhập bản như: việc thực hiện các chế độ, chính sách; đất đai, điều chỉnh thông tin, giấy tờ có liên quan đến hộ khẩu, đất đai, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...
Bốn là: thực hiện ưu tiên hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế,... tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội tại các bản sau khi sáp nhập.
Để biểu dương và ghi nhận những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập bản, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định khen thưởng đối với 29 tập thể và 34 cá nhân./.
Đồng chí Lê Hồng Minh trao quyết định khen thưởng cho các cá nhân tiêu biểu