Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên với chủ đề “Thanh niên Sơn La khởi nghiệp từ thế mạnh của địa phương”
Ngày 14 tháng 11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024 với chủ đề “Thanh niên Sơn La khởi nghiệp từ thế mạnh của địa phương”. Thực hiện sự ủy quyền của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và đông đảo đoàn viên thanh niên tại 12 điểm cầu trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh (nguồn Báo Sơn La)
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đoàn viên thanh niên (ĐVTN) và các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi những giải pháp nhằm hỗ trợ thanh niên trong khởi nghiệp từ thế mạnh của địa phương góp phần tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận thêm thông tin từ các hệ thống chính sách pháp luật, chính sách phát triển kinh tế, nguồn vốn vay để tạo động lực cho ĐVTN vươn lên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và vươn lên để làm công dân toàn cầu, có trí hướng trong sản xuất, trong xây dựng các mô hình kinh tế để thực hiện mục tiêu là tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững, cùng cả nước thi đua lập thành tích hướng đến 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).
Tại hội nghị đối thoại, ĐVTN trên địa bàn tỉnh đã có 12 ý kiến về các vấn đề: chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp; chính sách và giải pháp trong việc kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư với ĐVTN; phương án hỗ trợ thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn vay để khởi nghiệp; định hướng cho thanh niên để xác định được mục tiêu khởi nghiệp phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; chiến lược để xây dựng các sản phẩm, ứng dụng hỗ trợ pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp và triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bao hộ thương hiệu sản ohẩm và cá nội dung pháp lý khác liên quan đến kinh doanh cho thanh niên khởi nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể của thanh niên, áp dụng chuyển đối số phục vụ sản xuất kinh doanh; giải pháp để tạo nguồn ra cho sản phẩm… Các ý kiến, kiến nghị của thanh niên cơ bản đã được lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh trao đổi, giải đáp.
Đoàn viên Nguyễn Đỗ Lan Hương, Trường Đại học Tây Bắc đặt câu hỏi (nguồn Báo Sơn La)
Đoàn viên Nguyễn Đỗ Lan Hương đặt vấn đề: “Một trong những vấn đề liên quan đến khởi nghiệp của thanh niên đó là liên quan đến tư vấn pháp lý. Hiện tại và trong tương lai UBND tỉnh có chiến lược gì để xây dựng các sản phẩm, ứng dụng hỗ trợ pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp và triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý, sở hữu trí tuệ, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm và các nội dung pháp lý khác liên quan đến kinh doanh cho thanh niên khởi nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể của thanh niên”.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời tại hội nghị(nguồn Báo Sơn La)
Đồng chí Vũ Tiến Đĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời “Tư vấn và hỗ trợ pháp lý là một yếu tố quan trọng trong quá trình khởi nghiệp, giúp thanh niên hiểu rõ và tuân thủ các quy định pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi của mình trong các hoạt động kinh doanh. Các hoạt động hỗ trợ pháp lý bao gồm cả thủ tục pháp lý về kinh doanh, pháp lý về sở hữu trí tuệ được giao về các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp thực hiện, thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn và kết nối với đội ngũ cố vấn khởi nghiệp. Đây là kênh cung cấp đầy đủ các dữ liệu và môi trường phát triển cho các ý tưởng khởi nghiệp cất cánh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp bao gồm: Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) và Trung tâm thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu thút đầu tư vùng dân tộc thiểu số (thuộc Trường Đại học Tây Bắc). Các đoàn viên, thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp có thể chủ động kết nối với các tổ chức này để được nhận hỗ trợ”.
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời tại hội nghị (nguồn Báo Sơn La)
Đoàn viên thanh niên điểm cầu Yên Châu, đặt câu hỏi: Cần làm gì để tạo thêm việc làm cho thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ?
Đồng chí Phạm Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Trên cơ sở phát huy các kết quả đã đạt được, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất, thu hút người lao động vào làm việc.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm tại các xã, phường, thị trấn. Đăng tải thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, thông tin tìm kiến việc làm của người lao động trên website, fanpage và đăng thông tin trên báo, đài, tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN lựa chọn việc làm, chuyển đổi ngành, nghề có thu nhập ổn định, phù hợp. Hàng năm, Sở còn tham mưu cho tỉnh cân đối bổ sung nguồn kinh phí Quỹ giải quyết việc làm cho người lao động; các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay lãi suất ưu đãi, tự tạo việc làm, tăng thu nhập...
Đại diện đoàn viên thanh niên tại điểm cầu huyện Quỳnh Nhai đặt câu hỏi: Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số. Đối với đối tượng thanh niên nông thôn làm kinh tế, đặc biệt là đối với thanh niên nông thôn vùng sâu vùng xa có cơ sở hạ tầng, thông tin, tài chính chưa đảm bảo, rất khó để áp dụng công nghệ mới. Vậy UBND tỉnh có giải pháp gì? để hỗ trợ thanh niên nông thôn áp dụng chuyển đổi số phục vụ sản xuất kinh doanh?
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trả lời tại hội nghị (nguồn Báo Sơn La).
Trả lời nội dung này, ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với Tỉnh đoàn, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo về kỹ năng số và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng, phát triển các nền tảng ứng dụng, sàn thương mại điện tử, website phục vụ nông nghiệp số… Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức khởi nghiệp đưa các chương trình công nghệ về địa phương, hỗ trợ đào tạo chuyển giao công nghệ cho thanh niên nông thôn, hỗ trợ thanh niên nông thôn đưa sản phẩm nông nghiệp đến với thị trường tiêu dùng một cách nhanh nhất.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thông tin: UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ thực hiện một số hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp. Đối với các khoản vay bảo đảm tiền vay bằng tài sản, ngoài sử dụng tài sản của người vay để thế chấp cho khoản vay, khách hàng có thể dùng tài sản của bên thứ 3, tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp tại tổ chức tín dụng. Đối với khoản vay không bảo đảm bằng tài sản, người vay có thể sử dụng phương thức vay thấu chi, thẻ tín dụng; vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị (nguồn Báo Sơn La)
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; thủ trưởng các sở, ban, ngành tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với ĐVTN, kịp thời tiếp thu các kiến nghị, đề xuất. Từ đó, có giải pháp cụ thể, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.
Đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh nghiêm túc tiếp thu những vấn đề đã trao đổi, giải đáp tại hội nghị đối thoại, chủ động đề xuất giải quyết kịp thời, hiệu quả những ý kiến, kiến nghị chính đáng của thanh niên. Đồng thời, phối hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức Đoàn thanh niên làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức đối thoại với thanh niên ít nhất 1 lần/năm, qua đó, kịp thời tiếp thu các kiến nghị, đề xuất, đưa ra giải pháp cụ thể, nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; công tác quản lý, điều hành của chính quyền; tạo điều kiện cho ĐVTN tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Tải về