Ngày 21/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Lưu trữ số 33/2024/QH15 (Luật Lưu trữ 2024).
Theo đó, Luật Lưu trữ năm 2024 được xây dựng tập trung làm rõ 4 chính sách lớn gồm: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam; quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử; quản lý tài liệu lưu trữ tư; quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Quy định chuyển tiếp tại Luật Lưu trữ 2024 như sau:
- Kể từ ngày Luật Lưu trữ 2024 có hiệu lực thi hành:
+ Trong thời hạn 10 năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu theo quy định của Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 (Luật Lưu trữ 2011) và nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh đối với tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn hình thành trong quá trình hoạt động của HĐND, UBND cấp xã trước ngày Luật Lưu trữ 2024 có hiệu lực thi hành;
+ Trong thời hạn 05 năm, cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu theo quy định của Luật Lưu trữ 2011 phải hoàn thành việc chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu theo quy định của Luật Lưu trữ 2011 đối với tài liệu hình thành trước ngày Luật Lưu trữ 2024 có hiệu lực thi hành nhưng chưa được chỉnh lý theo quy định của Luật Lưu trữ 2011, nộp vào lưu trữ lịch sử theo quy định của Luật Lưu trữ 2024;
+ Trong thời hạn 10 năm, lưu trữ lịch sử phải hoàn thành việc chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu theo quy định của Luật Lưu trữ 2011 đối với tài liệu đang bảo quản tại lưu trữ lịch sử nhưng chưa được chỉnh lý theo quy định của Luật Lưu trữ 2011;
+ Tổ chức, cá nhân đủ điều kiện thực hiện dịch vụ chỉnh lý tài liệu theo quy định của Luật Lưu trữ 2011 và tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn nghiệp vụ lưu trữ theo quy định của Luật Lưu trữ 2024 được thực hiện việc chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 65 Luật Lưu trữ 2024;
+ Trong thời hạn 05 năm, cơ quan, tổ chức đã xác định bí mật nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lưu trữ lịch sử thực hiện việc giải mật tài liệu đã nộp vào lưu trữ lịch sử theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Việc giải mật tài liệu lưu trữ đã nộp vào lưu trữ lịch sử trong trường hợp cơ quan xác định bí mật nhà nước không còn hoạt động thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Lưu trữ 2024.
- Việc giải mật tài liệu lưu trữ trong trường hợp cơ quan xác định bí mật nhà nước không còn hoạt động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 65 Luật Lưu trữ 2024 được quy định như sau:
+ Người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ, UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lưu trữ quyết định việc giải mật tài liệu lưu trữ trong trường hợp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế;
+ Người đứng đầu lưu trữ lịch sử thực hiện các hình thức xác định việc giải mật tài liệu lưu trữ trong trường hợp tài liệu không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước;
+ Không thực hiện việc giải mật tài liệu lưu trữ trong trường hợp việc giải mật có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
- Việc hủy tài liệu lưu trữ chứa bí mật nhà nước đã nộp vào lưu trữ lịch sử trước ngày Luật Lưu trữ 2024 có hiệu lực thi hành được quy định như sau:
+ Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định hủy tài liệu tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định hủy tài liệu tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh;
+ Tài liệu lưu trữ chứa bí mật nhà nước được hủy trong các trường hợp sau: khi không cần thiết phải lưu giữ và việc hủy tài liệu không gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; nếu không hủy tài liệu sẽ gây nguy hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc;
+ Việc hủy tài liệu lưu trữ chứa bí mật nhà nước phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
- Tài liệu lưu trữ có thời hạn được lưu trữ tại lưu trữ lịch sử trước ngày Luật Lưu trữ 2024 có hiệu lực thi hành thì lưu trữ lịch sử tiếp tục lưu trữ cho đến hết thời hạn.
- Chứng chỉ hành nghề lưu trữ được cấp theo quy định của Luật Lưu trữ 2011 được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn ghi trên Chứng chỉ.
- Đối với hồ sơ, tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn của cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử được hình thành trước ngày Luật Lưu trữ 2024 có hiệu lực thi hành, thời hạn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử thực hiện theo quy định của Luật Lưu trữ 2011 nhưng không quá ngày 01 tháng 7 năm 2030.
Luật Lưu trữ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Tải về