Thực
hiện Quyết định số 167/QĐ-UBND ngày 03/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc
ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa
đổi).
Ngày 06/3/2023, Sở Nội vụ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Giám đốc Sở đã giới thiệu một số điểm mới được đề xuất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; Quy định mức thuế cao hơn với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; mở rộng đối tượng sử dụng đất nông nghiệp; quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; tăng cường thanh tra, kiểm tra khiếu nại liên quan đến đất đai; Đồng thời yêu cầu công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Sở Nội vụ ngoài việc tham gia góp ý chung, phải đặc biệt quan tâm nghiên cứu những nội dung liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Sở Nội vụ như: Quy định trong Luật về tổ chức Quỹ phát triển đất; quy định về đất Tôn giáo... để tham ý kiến.
Tại Hội nghị có 09 lượt ý kiến góp ý tập trung vào các nội dung cụ thể sau như sau:
(1) Nội dung về Quỹ phát triển đất đã được sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn các trường hợp sử dụng quỹ phát triển đất để tạo quỹ đất theo quy định tại Điều 111 của Luật so với quy định tại Luật đất đai năm 2013, Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư; quy định cụ thể các loại đất đưa vào để tạo quỹ đất. Đây Là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định. Luật cũng đã bổ sung quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất. Việc quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh trong việc phân bổ tiền thu từ sử dụng đất là hết sức cần thiết, tạo nguồn ngân sách đủ mạnh cho Quỹ đầu tư, phát triển, đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất. Dự thảo Luật Đất đai đã bổ sung cơ chế phát triển quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong việc phân bổ đất đai theo quy hoạch, chủ động quỹ đất điều tiết thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu cho ngân sách nhà nước, tạo vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là điểm mới về tư duy, lý luận, sẽ tạo bước chuyển biến đột phá trong chính sách đất đai thời kỳ tới. Tuy nhiên, quy định về thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất cần phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng, khách quan. Dự thảo cần đề ra nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng khi triển khai các dự án đầu tư phát triển quỹ đất bằng vốn ngân sách, nếu không có bộ tiêu chí rõ ràng sẽ dễ dẫn đến lạm quyền, thu hồi đất tràn lan, xâm phạm quyền lợi của người sử dụng đất, quyền tài sản được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ. Cùng với đó, để triển khai chính sách mới một cách hiệu quả thì không chỉ gói gọn trong quy định của Luật Đất đai mà còn liên quan Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước… Việc triển khai tràn lan các dự án phát triển quỹ đất dưới hình thức đầu tư công cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ. Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai cần gắn với sửa đổi đồng bộ các luật có liên quan để tạo khung khổ pháp lý cho triển khai thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Giám đốc Sở quán triệt tại Hội nghị
(2) Điều 114 dự thảo đề xuất quy định giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý quỹ đất phục vụ Nhà nước giao, cho thuê thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có tránh nhiệm phối hợp với Tổ chức phát triển quỹ đất trong việc quản lý, bảo vệ để không bị lấn, chiếm đất. Trường hợp quỹ đất chưa giao, cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư thì Tổ chức phát triển quỹ đất được cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai.
(3) Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất tại Điều 115 theo hướng: Tổ chức phát triển quỹ đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định việc thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại các Tổ chức phát triển quỹ đất hiện có tại địa phương.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục thừa nhận, quy định đối với việc công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất. Đồng thời bổ sung quy định phân định rõ diện tích xây dựng cơ sở thờ tự của các cơ sở tôn giáo với diện tích đất đai còn lại (đất thường, đất kinh doanh), theo đó, diện tích xây dựng cơ sở thờ tự sẽ được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Đối với diện tích tổ chức tôn giáo sử dụng vào các mục đích khác thì phải trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định.
Tuy nhiên, việc sử dụng đất của các tôn giáo trên cả nước hiện nay, thì tình trạng các cơ sở tôn giáo tự thỏa thuận, thực hiện việc chuyển nhượng, mua bán lại đất của các hộ gia đình, cá nhân, nhận hiến tặng, công đức không đúng quy định diễn ra khá phổ biến. Sau khi nhận hiến tặng, chuyển nhượng của hộ gia đình, cá nhân một số cơ sở tôn giáo đã tự mở rộng chùa, nhà thờ mà chưa thực hiện các thủ tục chấp thuận cho tu bổ, tôn tạo di tích, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cụ thể:
(4) Khoản 2 Điều 203 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có ghi: “UBND cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo” thì cụm từ “căn cứ nhu cầu thực tế” còn mang tính chung chung, khó để chính quyền cấp tỉnh xác định tiêu chí cấp đất cho có tổ chức tôn giáo một cách chính xác, khách quan.
(5) Điều 204 dự thảo quy định về đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, đất rừng tín ngưỡng. Trong khi đó, đất tín ngưỡng theo Luật Đất đai năm 2013 bao gồm cả đất có “từ đường, nhà thờ họ” và không có “đất rừng tín ngưỡng”. Như vậy nếu bỏ “từ đường, nhà thờ họ” có hợp lý hay không vì không tương thích với quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ nhà thờ dòng họ được xem là cơ sở tín ngưỡng theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Dự thảo Luật cũng cần làm rõ khái niệm “đất rừng tín ngưỡng” ở khoản 1 Điều 204. Nếu không làm rõ khái niệm, phạm vi “đất rừng tín ngưỡng” là gì, thì không có căn cứ để thực hiện.
(6) Điều 218, dự thảo chỉ nêu: “Giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp về việc quản lý và sử dụng đất đai” là chưa đủ. Cần xem xét lại những quy định chung về vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai (Điều 20) để có một điều khoản cụ thể về giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong đó có thành viên là tổ chức tôn giáo các cấp về quản lý và sử dụng đất đai, để bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo trong việc sử dụng và giám sát nhiệm vụ quản lý đất đai của chính quyền các cấp.
Do đó, đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi):
(7) Quy định rõ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với đất tôn giáo để làm cơ sở thẩm định nhu cầu sử dụng đất, góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
(8) Quy định cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất, giao đất cho các tổ chức kinh tế để xây dựng khu du lịch (khu du lịch Tâm linh) liên quan đến tôn giáo; phải tách bạch đất sử dụng vào mục đích tôn giáo (không thu tiền sử dụng đất, theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo) và đất kết hợp du lịch (khu dịch vụ vui chơi, giải trí) để thu tiền thuê đất, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước (tại khoản D, Điều 78 chưa định nghĩa cụ thể việc thu hồi đất phục vụ cho tổ chức tôn giáo hay cơ sở tôn giáo).
(9) Nghiên cứu, sửa đổi các nội dung có liên quan đến việc thu hồi đất, giao đất, công nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo để thống nhất, đồng bộ với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý các hoạt động tôn giáo.