NGÀY 07/10/2020, CHÍNH PHỦ BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 120/2020/NĐ-CP VỀ THÀNH LẬP, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Nghị
định này quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành
lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp
công lập.
1. Về thành lập đơn vị sự nghiệp công lập
Theo quy định, các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Các đơn vị sự nghiệp công lập thành lập phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, đáp ứng đủ tiêu chí thành lập theo quy định chuyên ngành, đồng thời xác định được rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, quản lý Nhà nước và phải đảm bảo tiêu chí về số lượng người làm việc, cụ thể như sau:
(1) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên phải đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người là viên chức (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành).
(2) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập các đơn vị này thì số lượng người làm việc là viên chức tối thiểu được xác định theo Đề án thành lập của đơn vị.
(3) Đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp thì số lượng người làm việc tối thiểu bao gồm viên chức và người làm chuyên môn, nghiệp vụ theo chế độ hợp đồng lao động.
2. Việc thành lập các tổ chức bên trong thuộc đơn vị sự nghiệp công lập
Việc thành lập các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập) thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên phải đáp ứng các tiêu chí sau: Công việc hoặc lĩnh vực do phòng thực hiện phải có từ 02 mảng công tác trở lên và có quy trình quản lý riêng theo yêu cầu của đối tượng quản lý; khối lượng công việc của phòng yêu cầu phải bố trí từ 07 người làm việc là viên chức trở lên.
3. Về khung số lượng cấp phó
3.1. Về khung số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (áp dụng đối với các đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện)
(1) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thực hiện theo Đề án thành lập (trong trường hợp thành lập mới) hoặc Đề án tự chủ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(2) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên bố trí không quá 03 người.
(3) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được bố trí không quá 02 cấp phó.
3.2. Về khung số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập
(1) Đối với phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư số lượng cấp phó thực hiện theo Đề án thành lập (trong trường hợp thành lập mới) hoặc Đề án tự chủ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(2) Đối với phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng.
(3) Đối với phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Có từ 07 đến 09 người làm việc là viên chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng; có từ 10 người làm việc là viên chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng.
Căn cứ khung số lượng cấp phó quy định Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cụ thể số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2020, thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; bãi bỏ các nội dung quy định về tự chủ tổ chức bộ máy và Hội đồng quản lý quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập./.