Điểm tin trong ngày
  • Màn chào hỏi của công đoàn sở nội vụ Tỉnh Sơn La
  • Dấu ấn tình nguyện hè xanh
Trang đầu « 1 » Trang cuối 
Phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ
Lượt xem: 470
Ngày 14/11/2023, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì Phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. Cùng dự phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phiên họp được truyền trực tuyến đến các tỉnh, thành phố. Tham dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh.
anh tin bai

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ

          Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, CCHC là vấn đề rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, nhất là tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

          Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên cả 6 nội dung (1- Cải cách thể chế; 2- Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); 3- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; 4- Cải cách chế độ công vụ; 5- Cải cách tài chính công; 6- Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số).

          Trong đó, công tác cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách chế độ công vụ có nhiều cải thiện; góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển KTXH của đất nước.

          Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng TTHC vẫn còn rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng; người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi giải quyết hồ sơ TTHC ở một số lĩnh vực; kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được giải quyết triệt để… Những tồn tại, hạn chế đó cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

anh tin bai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

          Trong 10 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đẩy mạnh công tác CCHC. Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được Chính phủ quan tâm; tổ chức 8 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Các bộ, ngành xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 247 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương ban hành 1.540 VBQPPL cấp tỉnh, 1.135 VBQPPL cấp huyện và 57 VBQPPL cấp xã.

          Về cải cách TTHC, các bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh; đơn giản hóa 437 TTHC/1.086 TTHC để thực thi 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93%, các địa phương đạt 40,91%; việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42%, địa phương đạt 70,15%.

          Đối với cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, đến nay, có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 13/15 cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. Công tác cải cách chế độ công vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường; việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thực hiện nghiêm theo quy định.

          Về cải cách tài chính công, các bộ ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Giải ngân vốn đầu tư công, ước thanh toán từ đầu năm đến nay, đạt hơn 401.800 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch, đạt 56.74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

          Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, có 36/63 địa phương triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số đủ điều kiện đạt 100%; 40/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến. 32 bộ, ngành và 63 địa phương hoàn thành kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; kết nối Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với 57 địa phương.

          Đến ngày 10/10/2023, cấp trên 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; thu nhận trên 64,3 triệu hồ sơ định danh điện tử; có 24 địa phương hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và đạt tỷ lệ cao; 12.597 cơ sở triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp; 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư.

          Tuy nhiên, công tác CCHC còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC bộc lộ nhiều vướng mắc; việc tổ chức, vận hành bộ phận một cửa các cấp nhiều nơi chưa đúng quy định, đặc biệt là cấp xã; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm...

anh tin bai

Các đại biểu dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Sơn La

            Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh thực hiện 6 nội dung về CCHC một cách đồng bộ và toàn diện để tạo sự đột phá, nhất là việc thực hiện cải cách TTHC đối với người dân, doanh nghiệp tại cơ sở; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá quy trình, quy định TTHC, thực hiện phân cấp trong giải quyết TTHC trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản. Đẩy mạnh cải cách thể chế công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt. Các cấp chính quyền cơ sở quan tâm bố trí nguồn lực, nhân lực, thay đổi tư duy, cách làm, cách tiếp cận trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực, triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ CCHC năm 2023.

Tác giả: Khúc Thị Thu Hằng - Phòng CCHC&VTLT, Sở Nội vụ

 

image advertisement







image advertisement

image advertisement




 Bản quyền thuộc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La.

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 9 tầng - Khu Trụ sở HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh và một số Sở, ban, ngành của tỉnh. Phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lương Thị Như Hoa - Giám đốc Sở


ĐT: Văn phòng sở (0212).3752.630 - Phòng CCHC (0212).3751.890 FAX: (0212).3855.743 
E-mail: snv@sonla.gov.vn - Website:http://sonoivu.sonla.gov.vn
Được thiết lập theo Giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp số: 06/GP-TTĐT ngày 19/6/2019 của Sở Thông tin và Truyền thông.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang