Điểm tin trong ngày
  • Màn chào hỏi của công đoàn sở nội vụ Tỉnh Sơn La
  • Dấu ấn tình nguyện hè xanh
Trang đầu « 1 » Trang cuối 
Những điểm mới của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP so với Nghị định số 162/2017/ NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
Lượt xem: 222
Ngày 29/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi là Nghị định số 95/2023/NĐ-CP) thay thế cho Nghị định số 162/2017/NĐ-CP. Nghị định số 95/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/3/2024 gồm 06 Chương, 33 Điều và 60 biểu mẫu thủ tục chi tiết. So với Nghị định 162/2017/NĐ-CP, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP tăng thêm 8 Điều, khoản và 07 biểu mẫu.

Một trong các điểm mới quan trọng, đó là Nghị định số 95/2023/NĐ-CP đã dành một điều giải thích các từ ngữ về công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ, giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp. Nghị định mới này cũng bổ sung các quy định về thay đổi người đại diện, thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo; phục hồi hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; phục hồi hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; việc xác định công trình phụ trợ được miễn giấy phép xây dựng; tiếp nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; hình thức tổ chức hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ; tiếp nhận hồ sơ; phân cấp, ủy quyền…

Các điều khoản bổ sung mới bao gồm: trình tự, thủ tục thay đổi người đại diện của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam (tại Điều 7); trình tự, thủ tục thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam (tại Điều 8); đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (tại Điều 12); phục hồi hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (tại Điều 13); đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo (tại Điều 16); phục hồi hoạt động đào tạo cho cơ sở đào tạo tôn giáo (tại Điều 17); tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài để hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về tôn giáo cho người chuyên hoạt động tôn giáo; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp xây dựng mới cơ sở tôn giáo; tổ chức các nghi lễ tôn giáo hoặc cuộc lễ tôn giáo; xuất bản, nhập khẩu kinh sách, văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo (tại Điều 26); hình thức tổ chức hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ (tại Điều 27); điều khoản chuyển tiếp (tại Điều 30). Bổ sung khoản 4 Điều 3; điểm d khoản 4 Điều 15; điểm c, khoản 4 Điều 19; khoản 7, 8 Điều 25.

          Cụ thể như sau:

          1. Thay đổi trong Chương 1 – Những quy định chung

a) Nghị định số 95/2023/NĐ-CP giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP gồm quy định chi tiết thi hành 08 nội dung được Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và một số biện pháp thi hành quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, trong từng điều khoản cụ thể, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP đã tập trung sửa đổi, bổ sung, làm rõ một số quy định chi tiết thi hành theo hướng cụ thể hơn, phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn.

b) Trong điều 3, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP sửa đổi các điều khoản về giải thích rõ hơn về các khái niệm công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ và bổ sung thêm khoản 4 Điều 3

NĐ 162/2017/NĐ-CP

NĐ 95/2023/NĐ-CP

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Công trình tín ngưỡng là công trình xây dựng để làm cơ sở tín ngưỡng.

2. Công trình tôn giáo là công trình xây dựng để làm cơ sở tôn giáo, tượng đài, bia và tháp tôn giáo.

3. Công trình phụ trợ là công trình không sử dụng cho việc thờ tự của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo gồm nhà ở, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, tường rào khuôn viên thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các công trình tương tự khác.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình tín ngưỡng là công trình xây dựng theo quy định của pháp luật do:

a) Cộng đồng dân cư đầu tư xây dựng để làm cơ sở tín ngưỡng;

b) Cộng đồng dân cư đầu tư xây dựng để làm tượng đài, bia và tháp thuộc cơ sở tín ngưỡng;

c) Dòng họ đầu tư xây dựng để làm nhà thờ dòng họ.

2. Công trình tôn giáo là công trình xây dựng theo quy định của pháp luật do:

a) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đầu tư xây dựng để làm cơ sở tôn giáo;

b) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đầu tư xây dựng để làm tượng đài, bia và tháp thuộc cơ sở tôn giáo.

3. Công trình phụ trợ là công trình xây dựng không sử dụng cho việc thờ tự của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo gồm nhà ở, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, tường rào và các công trình tương tự khác trong khuôn viên cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

4. Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp là văn bản, tài liệu về quyền sử dụng hợp pháp đối với đất đai, nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở và dân sự.

         

2. Thay đổi trong Chương II - SỬ DỤNG KINH SÁCH, BÀY TỎ NIỀM TIN TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO; THAY ĐỔI NGƯỜI ĐẠI DIỆN, ĐỊA ĐIỂM SINH HOẠT TÔN GIÁO TẬP TRUNG; THAY ĐỔI TÊN, TRỤ SỞ CỦA TỔ CHỨC TÔN GIÁO, TỔ CHỨC TÔN GIÁO TRỰC THUỘC

a) Trong chương II về việc “sử dụng kinh sách, bày tổ niềm tin tín ngưỡng tôn giáo; thay đổi người đại diện, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung; thay đổi tên, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc”, NĐ 95/2023/NĐ-CP đã phân rõ thành 3 mục là: Mục 1: sử dụng kinh sách, bày tổ niềm tin tín ngưỡng tôn giáo; Mục 2: thay đổi người đại diện, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung là người Việt Nam; Mục 3: thay đổi tên, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

b) Tại điều 4, có một số thay đổi trong khoản 3

NĐ 162/2017/NĐ-CP

NĐ 95/2023/NĐ-CP

 

3. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn cách thức quản lý kinh sách, thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ.

 

3. Việc bảo đảm và quản lý kinh sách; thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ được thực hiện theo nội quy, quy chế của cơ sở quản lý, giam giữ. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể việc ban hành nội quy, quy chế của cơ sở quản lý, giam giữ thuộc phạm vi quản lý.

 

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể việc ban hành nội quy, quy chế của cơ sở quản lý, giam giữ thuộc phạm vi quản lý thay vì có trách nhiệm hướng dẫn cách thức quản lý kinh sách, thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ như quy định tại NĐ162

c) Trong khoản 4, điều 6, NĐ 95 cũng có sự thay đổi so với NĐ 162: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi dự kiến đặt địa điểm mới để sinh hoạt tôn giáo tập trung có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thay đổi địa điểm trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hợp lệ”; trong NĐ 162 là 15 ngày.

Thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung từ địa bàn xã này sang xã khác: Trước đây phải xin UBND huyện, sau đó xã có văn bản trả lời. Tại Nghị định 95 đã bỏ xin ý kiến UBND huyện (Thực hiện đúng theo thẩm quyền UBND xã được giao).

d) Chương 2 cũng bổ sung một số điều khoản mới bao gồm: trình tự, thủ tục thay đổi người đại diện của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; trình tự, thủ tục thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam (điều 7,8,9).

3. Thay đổi tại Chương III: ĐĂNG KÝ PHÁP NHÂN PHI THƯƠNG MẠI; ĐÌNH CHỈ, GIẢI THỂ TỔ CHỨC TÔN GIÁO, TỔ CHỨC TÔN GIÁO TRỰC THUỘC, CƠ SỞ ĐÀO TẠO TÔN GIÁO; CÔNG TRÌNH TÍN NGƯỠNG, CÔNG TRÌNH TÔN GIÁO, CÔNG TRÌNH PHỤ TRỢ

a) Tên chương III NĐ 95 có sự thay đổi bổ sung tên so với NĐ 162

NĐ 162/2017/NĐ-CP

NĐ 95/2023/NĐ-CP

Cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại; giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo, công trình tín ngưỡng, công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ

Đăng ký pháp nhân phi thương mại; đình chỉ, giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo; công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ

b) Ngoài việc giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở tôn giáo trực thuộc, trong NĐ 95 đã quy định việc đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (điều 12); phục hồi hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (điều 13); đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo (điều 16); phục hồi hoạt động đào tạo cho cơ sở đào tạo tôn giáo (điều 17); Bổ sung điểm d khoản 4 Điều 15 (NĐ 162 là điều 11); điểm c, khoản 4 Điều 19 (NĐ 162 là điều 15);

c) Trách nhiệm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc đình chỉ, phục hồi hoạt động của các tổ chức, các cơ sở đào tạo tôn giáo (Điều 20 NĐ95, điều 14 NĐ 162) được quy định rõ ràng hơn; Điều 21 NĐ 95 bổ sung thêm Quyền khiếu nại của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo khi bị đình chỉ hoạt động. NĐ 95 cũng  bổ sung thêm việc xác định công trình phụ trợ thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng (điều 22).

4. Chương IV không có sự thay đổi so với NĐ 162

5. Thay đổi Chương V - HOẠT ĐỘNG QUYÊN GÓP; TIẾP NHẬN VÀ QUẢN LÝ CÁC KHOẢN TÀI TRỢ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI; HÌNH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO, HOẠT ĐỘNG QUYÊN GÓP, TIẾP NHẬN TÀI TRỢ (bổ sung tên)

NĐ 162/2017/NĐ-CP

NĐ 95/2023/NĐ-CP

Hoạt động quyên góp; tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài

Hoạt động quyên góp; tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; hình thức tổ chức hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ

a) Điều 25 NĐ 95 bổ sung thêm về hoạt động quyên góp

- Chủ thể được quyền thực hiện: Người đại diện, Ban Quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

- Trách nhiệm thông báo trước khi thực hiện: Người đại diện cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

          - Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông báo

          + UBND xã  (trước 05 ngày)

          + UBND cấp huyện (trước 10 ngày)

          + UBND cấp tỉnh (trước 15 ngày)

          b) Bổ sung khoản 7,8 điều 25. Người đại diện cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thực hiện hoạt động quyên góp không đúng theo quy định tại điều 25 có thẩm quyền tiếp nhận thông báo có văn bản yêu cầu dừng tiếp nhận, sử dụng tài sản được quyên góp và xử lý theo duy định của pháp luật.

c) Điều 26 quy định rõ về việc các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài để hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về tôn giáo cho người chuyên hoạt động tôn giáo; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp xây dựng mới cơ sở tôn giáo; tổ chức các nghi lễ tôn giáo hoặc cuộc lễ tôn giáo; xuất bản, nhập khẩu kinh sách, văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo; hình thức tổ chức hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ; điều khoản chuyển tiếp.

d) NĐ 95 cũng bổ sung thêm điều 27 Hình thức, tổ chức hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ (NĐ 162 không có)

6. Thay đổi trong Chương VI -  TỔ CHỨC THỰC HIỆN

a) Phần tiếp nhận hồ sơ có sự khác biệt hơn so với NĐ162, mở rộng các hình thức nộp hồ sơ hơn, ngoài việc gửi trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến, tổ chức, cá nhân có thể thông qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật. Phần tiếp nhận hồ sơ cũng được quy định chi tiết, bổ sung thêm Quy định việc nộp bản sao các giấy tờ, văn bản có liên quan đến các hồ sơ, thủ tục hành chính, thời hạn sử dụng phiếu lý lịch tư pháp không quá 6 tháng.

b) NĐ 95 cũng bổ sung thêm điều khoản chuyển tiếp (điều 30) quy trình thực hiện đối với các công trình liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đã tồn tại trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, khi cải tạo, nâng cấp, xây dựng. Trong NĐ95, khoản 4 điều 31 cũng có khác biệt hơn so với NĐ162  đó là việc phân cấp, uỷ quyền theo quy định pháp luật

 

NĐ 162/2017/NĐ-CP

NĐ 95/2023/NĐ-CP

Điều 31

4. Trong việc thực hiện các quy định củaLuật tín ngưỡng, tôn giáovà Nghị định này, những trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định. Những trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cùng cấp có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân quyết định trừ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng; quản lý, sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng được quy định tại cácĐiều 13, 14 và Điều 15 của Luật.

Điều 31

4. Trong việc thực hiện các quy định củaLuật tín ngưỡng, tôn giáovà Nghị định này, những trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc quyết định theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Những trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cùng cấp có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân hoặc quyết định theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, trừ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng; quản lý, sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng được quy định tại cácĐiều 13, 14 và Điều 15 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

c) Phần biểu mẫu sử dụng trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo: So với số lượng biểu mẫu được quy định tại Nghị định số 162 là 53 biểu mẫu thì Nghị định 95 có 60 biểu mẫu.

Những điểm mới trên sẽ góp phần hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo thời gian tới./.

Tác giả: Lê Thị Miền, Tôn giáo

 

image advertisement











 Bản quyền thuộc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La.

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 9 tầng - Khu Trụ sở HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh và một số Sở, ban, ngành của tỉnh. Phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lương Thị Như Hoa - Giám đốc Sở


ĐT: Văn phòng sở (0212).3752.630 - Phòng CCHC (0212).3751.890 FAX: (0212).3855.743 
E-mail: snv@sonla.gov.vn - Website:http://sonoivu.sonla.gov.vn
Được thiết lập theo Giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp số: 06/GP-TTĐT ngày 19/6/2019 của Sở Thông tin và Truyền thông.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang