MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI DÂN QUÂN THƯỜNG TRỰC
Ngày 04/02/2025 Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ (có hiệu lực thi hành từ ngày 23/3/2025).
Trong đó, Nghị định số 16/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) cho dân quân thường trực như:
- Dân quân thường trực thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc áp dụng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 và điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
Ảnh: huấn luyện sử dụng vũ khí được trang bị cho lực lượng dân quân thường trực
- Thời gian đóng BHXH được tính từ khi có quyết định thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực đến khi có quyết định công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực hoặc thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực trước thời hạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
- Mức đóng BHXH hằng tháng cho dân quân thường trực: Đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 86 Luật BHXH năm 2014; đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Dân quân thường trực có quyết định công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực hoặc thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực trước thời hạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định, nếu không có nguyện vọng bảo lưu thời gian đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, thì được hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ. Mức hưởng BHXH một lần áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật BHXH năm 2014;
- Dân quân thường trực chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật BHXH năm 2014, thì thân nhân theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 67 Luật BHXH năm 2014 được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo mức hưởng quy định tại Điều 68 Luật BHXH năm 2014. Dân quân thường trực chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 69 Luật BHXH năm 2014, thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần theo mức hưởng quy định tại Điều 70 Luật BHXH năm 2014;
- Dân quân thường trực chết trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật BHXH năm 2014, thì người lo mai táng cho dân quân thường trực được nhận trợ cấp mai táng theo mức quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật BHXH năm 2014, khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc;
- Dân quân thường trực nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà có đủ các điều kiện theo quy định tại các Điều 45 và Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 42 và các Điều 48, Điều 49, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 55 và Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015;
- Kinh phí đóng BHXH cho dân quân thường trực do ngân sách địa phương bảo đảm, hằng tháng ngân sách địa phương đóng vào quỹ BHXH do BHXH Việt Nam thống nhất quản lý;
- Dân quân thường trực khi làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc hy sinh, được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh hoặc liệt sĩ thì ngoài việc được hưởng chính sách ưu đãi người có công do ngân sách Nhà nước bảo đảm, vẫn được thực hiện chế độ tai nạn lao động, tử tuất quy định.
- Chế độ BHYT cho dân quân thường trực được thực hiện theo pháp luật về BHYT; việc thực hiện chính sách BHXH bắt buộc, BHYT đối với dân quân thường trực do cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trường hợp dân quân còn đang phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2020 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu chưa được đóng, hoặc đóng chưa đầy đủ BHXH, thì địa phương có trách nhiệm đóng, truy đóng BHXH cho dân quân thường trực theo quy định của Nghị định này, số tiền truy đóng BHXH không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo BHXH năm 2014. Dân quân thường trực vào viện điều trị trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng ra viện từ ngày Nghị định có hiệu lực thì được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Nghị định này.
Ảnh: Lực lượng dân quân thường trực luyện tập điều lệnh đội ngũ
Ngoài ra, Nghị định số 16/2025/NĐ-CP quy định: mức phụ cấp đối với Thôn đội trưởng hàng tháng do HĐND tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng (cao hơn 425.000 đồng so với mức phụ cấp đang hưởng theo Nghị quyết số 141/2020/NQ-HĐN D ngày 30/10/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về mức phụ cấp, trợ cấp đối với lực lượng dân quân trên địa bàn tỉnh Sơn La)./.