Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong sửa đổi luật tổ chức chính quyền chính phủ và luật tổ chức chính quyền địa phương
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 07/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ theo yêu cầu của Hội nghị Trung ương mười (Khóa XIII) với quan điểm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", "Không có lý do gì mà chúng ta không phân cấp, phân quyền, không có lý do gì mà không xóa bỏ cơ chế xin - cho".
Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Trương Hải Long thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 07/10 - Ảnh nguồn Báo mới
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đã làm rõ thêm về vấn đề này cụ thể như sau:
- Chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm, thông qua triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết số 18 Hội nghị Trung ương VI về "Xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động theo hướng hiệu quả", Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/2022 ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, trong đó có nhiệm vụ: (1) Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); (2) Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật theo ngành, lĩnh vực cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo Nghị quyết này và đáp ứng yêu cầu phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của Đảng và của pháp luật;…
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết số 18, Nghị quyết 04, thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi 14 luật, cho ý kiến 02 luật và chuẩn bị trình 04 luật; trình Quốc hội ban hành 09 nghị quyết; sửa đổi, bổ sung thay thế 27 nghị định; Thủ tướng Chính đã phủ ban hành 19 quyết định; các bộ, ngành đã ban hành 08 thông tư liên quan đến đẩy mạnh, phân cấp, phân quyền.
Thực hiện văn bản của cấp có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiện nay Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ sửa 02 luật gồm Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, trong quá trình xây dựng luật sẽ chú trọng đến các nội dung sau:
Thứ nhất: Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nguyên tắc phân cấp, phân quyền chưa quyết liệt, cơ chế phân cấp, ủy quyền chưa quy định rõ ràng. Do vậy, trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ tiếp thu tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương X, từ đó sửa các quy định chung liên quan đến nguyên tắc phân cấp, phân quyền, tiến tới phân định thẩm quyền chứ không phải mỗi phân cấp"Việc gì Trung ương làm, việc gì địa phương làm sẽ được quy định rõ trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, các bộ chuyên ngành khi rà soát các luật chuyên ngành tương tự thì sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan để đảm bảo làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm, tạo nguồn lực", ông Trương Hải Long nhấn mạnh.
Thứ hai: trong quá trình xây dựng hồ sơ, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định pháp luật chuyên ngành, các quy định về tổ chức bộ máy, yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan chủ trì khi tham mưu các quy định chuyên ngành thì không lồng ghép các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến thẩm quyền trong các văn bản chuyên ngành.
Trong thời gian tới, Sở Nội vụ tỉnh Sơn La sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các địa phương để tham mưu cấp có thẩm quyền tổ chức đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương đồng thời tham gia ý kiến vào hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sau khi có văn bản của cấp có thẩm quyền).