Điểm tin trong ngày
  • Màn chào hỏi của công đoàn sở nội vụ Tỉnh Sơn La
  • Dấu ấn tình nguyện hè xanh
Trang đầu « 1 » Trang cuối 
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu trong tình hình mới
Lượt xem: 320
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu được ghi nhận với diễn biến theo xu thế bất lợi, các hiện tượng khí hậu cực đoan tiếp tục xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất cao hơn. Dự báo đến năm 2050, nếu mực nước biển dâng từ 18÷38 cm, tổn thất có thể lên tới 2% GDP của Việt Nam. Trước những thách thức biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả.

Ngày 02/01/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 97-HD/BTGTU về hướng dẫn tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ngày 16/01/2024, Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh ban hành Kế hoạch số 178-KH/ĐUK về tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Nhằm tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về nhận thức trách nhiệm và hành động trước tác động của biến đi khí hậu, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường; Đảng bộ Sở Nội vụ giới thiệu một số Quan điểm, ch trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường qun lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, như sau:

1. Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong ứng phó biến đổi khí hậu

Nhận thức được những tác động, thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu (viết tắt là BĐKH) đối với các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện nỗ lực và quyết tâm trong ứng phó với BĐKH. Cụ thể: Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI coi chủ động ứng phó với BĐKH là một trong những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và Bảo vệ Môi trường đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, theo đó, ứng phó với BĐKH phải đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Đồng thời, ứng phó với BĐKH cũng là nội dung quan trọng trong các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Năm 2020, Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT), trong đó công tác Quản lý Nhà nước (QLNN) về BĐKH đã được thể chế toàn diện hơn. Luật đã quy định nội dung và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải Khí Nhà kính (KNK), bảo vệ tầng ô-dôn. Quy định rõ về kiểm kê KNK, các lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK; quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch; Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về BĐKH; báo cáo quốc gia ứng phó với BĐKH; thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ô-dôn. Đặc biệt, Luật lần đầu tiên chế định về tổ chức và phát triển triển thị trường các-bon như là công cụ để thúc đẩy mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK, góp phần thực hiện những cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế. Ngoài Luật BVMT, đã xây dựng, sửa đổi và ban hành 10 Luật có nội dung liên quan đến BĐKH.

Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm phát thải khí nhà kính (KNK), bảo vệ tầng ô-dôn; Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 93/NQ-CP năm 2016 phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC),...

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về BĐKH (Quyết định số 2139/QĐ-TTg); Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012-2020 (Quyết định số 1474/QĐ-TTg); Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH (Quyết định số 2053/QĐ-TTg); Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1670/QĐ-TTg); Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP (Quyết định số 417/QĐ-TTg); phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam (2020); Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1055/QĐ-TTg).

 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia (Quyết định số 148/QĐ-TTg); Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK (Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg). Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn phê duyệt các văn bản có liên quan đến ứng phó với BĐKH, như: Chiến lược tăng trưởng xanh; các quy hoạch vùng, lĩnh vực; các chương trình, đề án,… Tại Hội nghị COP26 tổ chức tháng 11/2021 tại Vương quốc Anh, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và tham gia nhiều cam kết, sáng kiến như: Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, Cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, tham gia Sáng kiến về Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu. Việc cam kết và tham gia các sáng kiến thể hiện quyết tâm và lộ trình rõ ràng của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam, sẵn sàng ứng phó với BĐKH nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Các bộ, ngành cũng ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến ứng phó với BĐKH. Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật BVMT về ứng phó với BĐKH. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho địa phương, một số địa phương đã ban hành bản cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH.

2. Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong tình hình mới

(1) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, Chính sách, pháp luật về BĐKH, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030 phù hợp với các mục tiêu Chiến lược về thích ứng với BĐKH và giảm phát thải KNK. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK và kiểm kê KNK lĩnh vực quản lý chất thải; các văn bản hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ có liên quan; hoàn thiện chính sách, quy hoạch không gian biển quốc gia phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi; các Đề án, kế hoạch thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Thể chế hóa mô hình phát triển các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn; áp dụng hiệu quả các công cụ định giá các-bon, bao gồm thuế các-bon, sàn giao dịch hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon, kết nối với thị trường khu vực và thế giới. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành trong ứng phó với BĐKH; hoàn thiện các quy định quản lý hoạt động thích ứng với BĐKH; thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro khí hậu.

Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư giảm phát thải trong các lĩnh vực; các chính sách thương mại và phát triển thúc đẩy phát triển bền vững; sản xuất và tiêu dùng hàng hóa bền vững và không làm mất rừng và suy thoái rừng; nông nghiệp bền vững, thúc đẩy an ninh lương thực và tránh gây hại cho môi trường.

(2) Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng: Đa dạng hóa phương thức thông tin, khai thác các lợi thế của công nghệ số, nâng cao chất lượng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin về dự báo KTTV, cảnh báo thiên tai cho chính quyền các cấp, tổ chức, hộ gia đình. Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông quốc gia, tổ chức các lớp tập huấn cho chính quyền các cấp, tổ chức xã hội và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về thích ứng với BĐKH và giảm phát thải KNK, hướng tới phát thải ròng bằng “0”. Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, tri thức địa phương trong ứng phó với BĐKH; tuyên truyền, nhân rộng các hoạt động, mô hình ứng phó với BĐKH. Bổ sung, nâng cao, cập nhật kiến thức về ứng phó với BĐKH vào chương trình giáo dục phổ thông.

(3)  Phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng và triển khai chương trình tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại về ứng phó với BĐKH, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới; chương trình giáo dục và đào tạo tích hợp nội dung ứng phó với BĐKH ở các cấp học. Tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp trong tiếp cận, tham gia triển khai các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon. Phát triển đội ngũ chuyên gia chất lượng cao về kiểm kê KNK, thẩm định giảm phát thải KNK, phát triển thị trường các-bon, bảo vệ tầng ô-dôn, thích ứng với BĐKH đáp ứng yêu cầu quản lý và phù hợp với lộ trình, quy định trong nước và các điều ước quốc tế về BĐKH mà Việt Nam là thành viên.

(4) Phát triển KH&CN: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ ứng phó với BĐKH; đánh giá nhu cầu công nghệ giảm phát thải KNK; xây dựng danh mục công nghệ sạch, phát thải ít các-bon trong các ngành sản xuất để thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và huy động đầu tư. Tăng cường nghiên cứu khoa học, tiếp thu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ trong ứng phó với BĐKH nhằm thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đề xuất chính sách tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu ứng phó với BĐKH. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng và triển khai các giải pháp ứng phó với BĐKH. Lồng ghép nghiên cứu các giải pháp ứng phó với BĐKH phù hợp với điều kiện Việt Nam trong các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia theo nhu cầu của ngành, lĩnh vực và địa phương. Ưu tiên nghiên cứu và triển khai thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH đồng lợi ích với giảm phát thải KNK, phát triển KT-XH.

          (5) Huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư, các dòng tài chính xanh của các định chế tài chính, tổ chức tín dụng quốc tế vào Việt Nam, khơi thông nguồn lực xã hội, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, người dân thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH; thu hút các tập đoàn quốc tế, tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam hợp tác thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án chuyển đổi sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Xây dựng quy trình phân bổ NSNN và lập kế hoạch đầu tư công, kế hoạch và dự toán NSNN bảo đảm phân bổ và sử dụng hiệu quả để thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các công trình, dự án thích ứng với BĐKH có đồng lợi ích với phát triển KT-XH và giảm phát thải KNK. Xây dựng các quy định, hướng dẫn thực hiện giám sát các nguồn tài chính, hỗ trợ ứng phó với BĐKH phù hợp với pháp luật Việt Nam, yêu cầu của UNFCCC, Thoả thuận Paris và các cơ chế tài chính quốc tế cho ứng phó với BĐKH mà Việt Nam tham gia. Nghiên cứu đề xuất hình thành Quỹ thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và thích ứng với BĐKH.

(6) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó với BĐKH: Thúc đẩy hoạt động ngoại giao khí hậu, tích cực và chủ động tham gia các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu về ứng phó với BĐKH, đặc biệt là các cơ chế tài chính khí hậu; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại song phương và đa phương về ứng phó với BĐKH trên cơ sở bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tham gia tích cực, đóng góp thực chất, chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến mới tại các cơ chế khu vực và quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tham gia quá trình khởi xướng, thúc đẩy các cơ chế hợp tác mới về ứng phó với BĐKH. Đàm phán xây dựng các quan hệ đối tác, cơ chế hợp tác để thu hút nguồn lực, hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với BĐKH. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ giảm phát thải KNK; thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH và nước biển dâng; dự báo, cảnh báo và có giải pháp ứng phó phù hợp với tác động xuyên biên giới của các hoạt động ứng phó BĐKH trên thế giới./.

Tác giả: Nguyễn Sơn Hà - Thanh tra, Sở Nội vụ

 

image advertisement











 Bản quyền thuộc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La.

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 9 tầng - Khu Trụ sở HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh và một số Sở, ban, ngành của tỉnh. Phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lương Thị Như Hoa - Giám đốc Sở


ĐT: Văn phòng sở (0212).3752.630 - Phòng CCHC (0212).3751.890 FAX: (0212).3855.743 
E-mail: snv@sonla.gov.vn - Website:http://sonoivu.sonla.gov.vn
Được thiết lập theo Giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp số: 06/GP-TTĐT ngày 19/6/2019 của Sở Thông tin và Truyền thông.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang