Điểm tin trong ngày
  • Màn chào hỏi của công đoàn sở nội vụ Tỉnh Sơn La
  • Dấu ấn tình nguyện hè xanh
Trang đầu « 1 » Trang cuối 
Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt dộng và quản lý hội
Lượt xem: 48
Ngày 08/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội gồm 08 Chương và 53 Điều áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức, hoạt động của hội khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành đó.

Về Điều kiện thành lập Hội : Các Hội muốn thành lập phải đảm bảo 07 điều kiện sau:

          1. Về tên gọi: 

          - Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật;

          - Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội;

          - Không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó;

          - Không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.

          2. Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.

          3. Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật.

          4. Có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này.

          5. Có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.

          6. Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác:

          - Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

          - Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

          - Hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

          7. Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.

          Phải thành lập “Ban vận động thành lập hội”: Nghị định 126/2024/NĐ-CP nêu rõ tổ chức, công dân Việt Nam có nhu cầu thành lập hội phải thành lập ban vận động thành lập hội (trong đó dự kiến trưởng ban, phó trưởng ban và các uỷ viên) theo quy định và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội. Thành viên ban vận động thành lập hội là tổ chức, công dân Việt Nam tâm huyết, trách nhiệm, hoạt động trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động hoặc có liên quan đến lĩnh vực hội dự kiến hoạt động. Các thành viên ban vận động thành lập hội phải đảm bảo các điều kiện theo quy định.

          Về Thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác về thành lập, phê duyệt điều lệ hội. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

1. Quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội và điều lệ hội, tổ chức, hoạt động của hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã ở địa phương và kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có) đối với chi nhánh, văn phòng đại diện của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh đặt tại địa phương.

2. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, các hội và tổ chức, công dân tại địa phương thi hành pháp luật về hội.

3. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý hội.

4. Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về hội ở địa phương.

5. Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với hội, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động của hội ở địa phương theo quy định của pháp luật.

6. Quy định, hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động của hội ở địa phương; ban hành cơ chế chính sách để hội tham gia thực hiện một số dịch vụ công, cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ khác trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

7. Xem xét và cho phép hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã nhận viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; kiểm tra, giám sát tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ, viện trợ của các hội ở địa phương theo quy định của pháp luật.

8. Quản lý biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm có liên quan đến quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hoạt động công vụ của cán bộ, công chức của đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến hội theo quy định của pháp luật.

10. Hàng năm, tổng hợp, báo cáo Bộ Nội vụ về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã, trong đó có hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh đặt tại địa phương.

11. Xem xét, quyết định giao nhiệm vụ cho hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hội.

12. Quản lý các hoạt động đối ngoại, hội nghị, hội thảo quốc tế do hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã tổ chức ở địa phương.

13. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kế toán; kiểm tra hoạt động tài chính, tài sản, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm về tài sản, tài chính, kế toán đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã.

14. Cập nhật cơ sở dữ liệu hội theo phân cấp quản lý; phối hợp trong xây dựng, vận hành và quản lý cơ sở dữ liệu về hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã.

15. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này.

16. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra Nghị định cũng quy định cụ thể chi tiết các quy định về hồ sơ thủ tục,  tổ chức, hoạt động, đổi tên, chia, tách, sát nhập, hợp nhất, đình chỉ có thời hạn và giải thể hội, một số quy định đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2024 và thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP 

Tải về

Tác giả: Nguyễn Thị Phượng – Chuyên viên Phòng Tôn giáo, Sở Nội vụ

 

image advertisement











Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !