Kết quả và kinh nghiệm trong công tác tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân
Với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân; xem xét giải quyết và chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; thể hiện rõ trách nhiệm trong lĩnh vực được phân công phụ trách theo thẩm quyền, ngay từ cơ sở; Đảng ủy Sở Nội vụ thường xuyên yêu cầu người đứng đầu, công chức lãnh đạo, quản lý, đảng viên nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước; giải quyết kịp thời, triệt để những phản ánh, kiến nghị, đề xuất thông qua các cuộc họp của cơ quan, sinh hoạt chi bộ; sinh hoạt chuyên đề; giao ban hàng tháng, trên Hệ thống quán lý văn bản và điều hành VNPT và Cổng thông tin điện tử của Sở. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực về thực thi công vụ, thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của cơ quan, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; hàng tháng báo cáo tình hình, kết quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về Đảng ủy Sở, Thanh tra tỉnh.
I. VỀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐỐI THOẠI TRỰC TIẾP
Từ 2019 đến nay, Sở Nội vụ đã ban hành 03 Kế hoạch, 07 thông báo về tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Giám đốc Sở Nội vụ với nhân dân để tiếp nhận thông tin yêu cầu đăng ký đối thoại của công dân; Thông báo công khai Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý Nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ của lĩnh vực Nội vụ, trong đó có 04 thông báo tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân tham gia đối thoại về giải quyết thủ tục hành chính, tuy nhiên rất ít ý kiến kiến nghị tham gia đối thoại trực tiếp mà chủ yếu hỏi gián tiếp thông qua hộp thư của Trung tâm thông tin của tỉnh và cổng thông tin của Sở Nội vụ.
Để thực hiện được mục tiêu đối thoại trực tiếp với nhân dân, lãnh đạo Sở Nội vụ đã suy nghĩ phải hướng về cơ sở, phải xuống trực tiếp cơ sở để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trên tinh thần đó, Đảng ủy, lãnh đạo Sở Nội vụ đã chỉ đạo Thanh tra Sở và các phòng chuyên môn phối hợp rà soát những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, bức xúc, tồn đọng kéo dài; những vấn đề công chức, viên chức, người lao động và dư luận quan tâm. Qua công tác rà soát, Sở đã ban hành Thông báo về việc tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Giám đốc Sở Nội vụ với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, bản, tiểu khu; viên chức các đơn vị sự nghiệp tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu năm 2020 và tại xã Huy Tường, huyện Phù Yên năm 2021.
Tại 2 buổi đối thoại có 7 ý kiến được Phòng Nội vụ huyện Mộc Châu và Phù Yên tổng hợp từ trước và 15 ý kiến hỏi trực tiếp tại Hội nghị; các kiến nghị tập trung vào một số vấn đề cụ thể về chính sách như: việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 119; Nghị quyết số 120 của HĐND tỉnh; thủ tục xét công nhận “đã hoàn thành nhiệm vụ” đối với trí thức trẻ; việc đề nghị, cấp và chuyển trao Kỷ niệm chương (nay gọi là Huy hiệu) “vì sự nghiệp xây dựng là phát triển tỉnh Sơn La”… Các ý kiến đều được Giám đốc Sở Nội vụ tiếp thu, thảo luận, trả lời trực tiếp nhằm làm rõ bản chất vấn đề, giải thích cặn kẽ về cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận và thực tiễn. Thống nhất về chủ trương lãnh đạo, quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị, các vấn đề tồn đọng ở cơ sở, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước của ngành Nội vụ trên địa bàn toàn tỉnh.
Kết quả cụ thể qua đối thoại trực tiếp cũng như nắm bắt tình hình Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan tham mưu đề xuất với HĐND tỉnh ban hành mới và sửa đổi, bổ sung về chế độ chính sách đối với cơ sở như: Nghị quyết số 141 ngày 30/10/2020 Quy định về mức phụ cấp, trợ cấp đối với lực lượng Dân quân trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 147 ngày 18/01/2021 quy định số lượng, mức hỗ trợ kinh phí đối với Công an viên ở bản, tiểu khu, tổ dân phố; Nghị quyết số 03 Quy định số lượng, mức chi bồi dưỡng đối với cộng tác viên dân số ở bản, tiểu khu, tổ dân phố; Nghị quyết 20 ngày 08/12/2021 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119, 120 của HĐND tỉnh.
Tại Hội nghị đối thoại với nhân dân tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu có một số ý kiến về việc xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Sơn La”, đã đề nghị từ năm 2010 mà chưa nhận được hiện vật khen thưởng (bao gồm khung bằng, tiền thưởng).
Ngay sau buổi đối thoại, Giám đốc sở đã phối hợp với UBND huyện Mộc Châu, Vân Hồ chỉ đạo rà soát qui trình đề nghị, trao kỷ niệm chương, xác định rõ số lượng, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Tham mưu cho UBND tỉnh giao UBND huyện Mộc Châu thanh tra làm rõ việc trao tặng Kỷ niệm chương. Qua thanh tra xác định, toàn huyện Mộc Châu có 115 cá nhân chưa được chuyển trao hiện vật và 46 cá nhân khen thưởng trùng thừa (19 cá nhân đề nghị khen thưởng lần 2, 27 cá nhân không xác định được địa chỉ).
Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thu hồi, hủy quyết định tặng kỷ niệm chương đối với 46 cá nhân; ban hành Quyết định cấp lại kỷ niệm chương cho 115 cá nhân.
UBND huyện Mộc Châu đã thu hồi tiền thưởng đối với 46 cá nhân với tổng số tiền 4.600.000 đồng (100 ngàn/kỷ niệm chương) vào ngân sách. Đồng thời tổ chức trao tặng, chi trả tiền thưởng Kỷ niệm chương cho 115 cá nhân với tổng số tiền 68.540.000 đồng (596.000/ kỷ niệm chương, số tiền này do cá nhân vi phạm chi trả và phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo).
Như vậy, trong thời gian 10 tháng (từ tháng 6/2020 đến tháng 4/2021), với sự phối hợp của các đơn vị liên quan, Sở Nội vụ đã tham mưu giải quyết dứt điểm về việc chi trả hiện vật khen thưởng cách đây hơn 10 năm.
Qua việc tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân ở cơ sở, các câu hỏi đối thoại bao gồm cả tổng hợp trước và câu hỏi trực tiếp tại hội nghị được Giám đốc Sở Nội vụ trả lời, giải đáp với tinh thần cởi mở, thẳng thắn cơ bản đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân; việc tổ chức, điều hành hội nghị được thực hiện với tinh thần dân chủ; gợi ý mở rộng đối thoại các vấn đề liên quan. Kết thúc đối thoại, Sở Nội vụ ban hành Thông báo kết quả đối thoại gửi báo cáo UBND tỉnh, gửi các cơ quan đơn vị có liên quan và đăng tải trên Công thông tin điện tử của Sở để Nhân dân thuận tiện nghiên cứu, tiếp cận, theo dõi quá trình giải quyết; các nội dung đối thoại là cần thiết, phù hợp, được Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi, giải đáp hoặc tiếp thu, tổng hợp đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét.
Công tác đối thoại với nhân dân đã giúp lãnh đạo Sở giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế, sai sót, tồn đọng trong công tác quản lý của ngành Nội vụ và các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt liên quan đến chế độ, chính sách, nhất là đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, bản ... Giúp ngành Nội vụ kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở cơ sở.
II. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Qua việc tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân ở cơ sở, Sở Nội vụ nhận thấy, cũng có những vấn đề, những nội dung đã được quy định rất rõ, những yêu cầu không phù hợp với qui định của pháp luật, hoặc không phù hợp với thực tiễn hoặc đã được giải quyết nhưng vẫn tiếp tục kiến nghị đề xuất. Trong khi đó một số nơi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục một cách thường xuyên để nhân dân hiểu, chia sẻ, đồng tình với tinh thần dân chủ, cởi mở, bằng nhiều hình thức để xử lý trực tiếp ngay tại cơ sở.
Thứ hai là có những sự việc được phản ánh tại cuộc đối thoại đã xảy ra từ lâu, chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm, né tránh nên việc khắc phục ở thời điểm hiện tại gặp rất nhiều khó khăn do thay đổi về chế độ, quy định, con người.
Thứ ba là ở một số địa phương, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Một số nơi thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp còn hình thức, số lượng người tham gia đối thoại chưa nhiều nên ý kiến, kiến nghị chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình tại địa phương. Phương pháp điều hành đối thoại có nơi còn cứng nhắc, không đặt ra các vấn đề đáng quan tâm để gợi mở người dân tham gia góp ý kiến, thảo luận và đưa ra giải pháp thực hiện.
III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Để thực hiện tốt chủ trương đối thoại trực tiếp với nhân dân đề nghị các cấp ủy cần chỉ đạo đồng bộ người đứng đầu các cơ quan đơn vị nghiêm túc thực hiện. Nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và xử lý, giải quyết kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại.
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu, thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chế độ, chính sách được quy định tại rất nhiều văn bản, liên quan đến rất nhiều đối tượng khác nhau, thời điểm áp dụng khác nhau, do đó phải có sự phối hợp trao đổi, thảo luận giữa các bộ phận chuyên môn, nhất là các nội dung chưa rõ, các nội dung còn có ý hiểu khác nhau; trong phối hợp phải cử những cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm, nghiên cứu và hiểu sâu về chế độ chính sách, những thay đổi qua từng giai đoạn để sẵn sàng tham mưu đối thoại trong tất cả các tình huống.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý đối với những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kiến nghị, đề xuất của Nhân dân. Hàng năm đánh giá, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tiếp xúc, đối thoại, thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân./.