Điểm tin trong ngày
  • Màn chào hỏi của công đoàn sở nội vụ Tỉnh Sơn La
  • Dấu ấn tình nguyện hè xanh
Trang đầu « 1 » Trang cuối 
MỘT SỐ GIẢI PHÁP KIỆN TOÀN, SẮP XẾP VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ, CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW NGÀY 25.10.2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
Lượt xem: 4008
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Với sự quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành. Tính đến nay, việc triển khai thực hiện kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả quan trọng, cụ thể:

1. Thực hiện Nghị quyết số 19 đã trình UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện 12 đề án sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực. Sau khi thực hiện sắp xếp, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giảm từ 1.262 xuống còn 936 đơn vị, tương ứng giảm 326 đơn vị, đạt tỷ 25,8%, trong đó:

(1) Lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Hiện nay còn 592 trường, giảm 237 trường, trong đó: Mầm non 215 trường, giảm 43 trường; Tiểu học 97 trường, giảm 187 trường; THCS 81 trường, giảm 145 trường; THPT 29 trường, giảm 02 trưởng; Trường PTDT nội trú THCS&THPT giữ nguyên 12 trường; Trung tâm GDTX tỉnh và huyện 12 trung tâm; thành lập 144 Trường TH&THCS, 02 Trường THCS&THPT.

(2) Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Hiện nay còn 05 đơn vị lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (03 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp); so với thời điểm năm 2015 số lượng vẫn giữ nguyên (tăng 01 trường Trung cấp do tiếp nhận từ Bộ Tư pháp, giảm 01 trường cao đẳng).

(3) Lĩnh vực y tế: Hiện nay còn 249 đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế (04 Trung tâm tuyến tỉnh; 08 Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; 11 Bệnh viện đa khoa huyện; 12 Trung tâm Y tế huyện và 204 Trạm Y tế xã), giảm 16 đơn vị so với năm 2015 (giảm 12 trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình, giảm 04 trung tâm thuộc tỉnh và 12 phòng khám đa khoa khu vực)

(4) Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Hiện nay còn 19 đơn vị (07 đơn vị trực thuộc sở, 12 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện) so với năm 2018 giảm 37 đơn vị (giải thể 02 đơn vị sự nghiệp thuộc Chi cục; giảm 02 ban quản lý rừng phòng hộ, giảm 33 đơn vị sự nghiệp do sáp nhập thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp 12 huyện, thành phố).

(5) Lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao: Hiện nay còn 17 đơn vị thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (05 đơn vị trực thuộc sở; 12 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện), giảm 15 đơn vị so với năm 2015 (giảm 13 đơn vị sự nghiệp thuộc sở và sự nghiệp trực thuộc sở; 12 đơn vị sự nghiệp thuộc huyện, thành phố).

(6) Lĩnh vực Tài nguyên môi trường: Hiện nay còn 20 đơn vị thuộc lĩnh vực Tài nguyên môi trường (16 đơn vị trực thuộc sở, 04 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện); chuyển 01 đơn vị thành Công ty cổ phần.

(7) Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Hiện nay còn 02 đơn vị sự nghiệp, giảm 01 đơn vị so với năm 2015.

(8) Lĩnh vực tư pháp: Hiện nay còn 03 đơn vị sự nghiệp, giảm 02 đơn vị so với năm 2015.

(9) Lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội: Hiện nay còn 06 đơn vị sự nghiệp, giảm 01 đơn vị so với năm 2015.

(10) Lĩnh vực thông tin và truyền thông, toàn tỉnh có 03 đơn vị thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (01 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; 02 đơn vị trực thuộc sở), giữ nguyên so với năm 2015.

(11) Lĩnh vực thông tin và truyền thông, toàn tỉnh có 03 đơn vị thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (01 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; 02 đơn vị trực thuộc sở), giữ nguyên so với năm 2015.

2. Về tổ chức bộ máy: sau sắp xếp đã giảm 90 đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện (01 Ban quản lý dự án cấp tỉnh, 72 đầu mối phòng và tương đương, 17 đầu mối trực thuộc UBND cấp huyện); giảm 227 đầu mối phòng, ban trực thuộc đơn vị sự nghiệp (cấp tỉnh 91; cấp huyện 136); giảm 1.137 lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, huyện.

3. Về số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao năm 2022: 27.275, giảm 3.244 so với số giao năm 2015, đạt tỷ lệ 10,6%; đối với lao động hợp đồng theo Nghị định số 68 từ năm 2019 không tiếp tục giao số lượng mà chuyển sang khoán chi thường xuyên cho các cơ quan đơn vị để thực hiện.

4. Về thực hiện tự chủ và chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập: Đã chuyển đổi 01 đơn vị thành Công ty cổ phần, 43 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí 100%, 03 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí 30%, 01 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí 15% (giảm số người trực tiếp hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hơn 2.000 người).

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 đã góp phần sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy các cơ quan (giảm đầu mối, giảm cấp phó, cơ cấu lại vị trí việc làm); nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương; chất lượng giải quyết công việc, phục vụ nhân dân của các cơ quan, đơn vị được cải thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ,…Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được việc triển khai thực hiện Nghị quyết còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện tinh giản biên chế theo kế hoạch đề ra; việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương chưa được quan tâm đúng mức, một số lĩnh vực chậm sửa đổi, bổ sung phân cấp cho phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của tỉnh; chưa thực hiện tốt việc giao tự chủ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập; một số văn bản của các bộ, ngành Trung ương ban hành còn chậm,...

Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCHTW Trung ương, trong thời gian tới cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, cần làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương rà soát, sắp xếp các ĐVSNCL để các cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ tính cấp thiết và hiệu quả của việc sắp xếp các đơn vị nhằm tạo sự yên tâm, tin tưởng, đồng thuận và thống nhất cao trong tổ chức thực hiện.

Thứ hai, cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị bao gồm cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tạo khối đoàn kết và phát huy sức mạnh tập thể; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy. Xây dựng kế hoạch thực hiện có lộ trình thời gian cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện, phân rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thứ ba, rà soát đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, tiêu chí thành lập; quy hoạch mạng lưới,... để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy các ĐVSNCL đảm bảo tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phù hợp với các quy định của Chính phủ, hướng dẫn của bộ, ngành và điều kiện thực tiễn tại địa phương. Gắn việc sắp xếp tổ chức bộ máy với việc cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức; tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026.

Thứ tư, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, rà soát ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ; ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền thực hiện xã hội hóa, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, nhất là dịch vụ sự nghiệp giáo dục (các cơ sở giáo dục mầm non tại những nơi đủ điều kiện; xã hội hóa; xã hội hóa buổi học thứ 2 ở cấp tiểu học); có chính sách thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc thành lập trường mầm non, phổ thông ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập; việc quản lý, sử dụng số lượng người làm việc; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và tổ chức thực hiện các nội dung khác về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn tỉnh.

Tác giả: Hà Trung Thắng - TP TCBC&TCPCP

 

image advertisement











 Bản quyền thuộc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La.

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 9 tầng - Khu Trụ sở HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh và một số Sở, ban, ngành của tỉnh. Phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lương Thị Như Hoa - Giám đốc Sở


ĐT: Văn phòng sở (0212).3752.630 - Phòng CCHC (0212).3751.890 FAX: (0212).3855.743 
E-mail: snv@sonla.gov.vn - Website:http://sonoivu.sonla.gov.vn
Được thiết lập theo Giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp số: 06/GP-TTĐT ngày 19/6/2019 của Sở Thông tin và Truyền thông.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang