Điểm tin trong ngày
  • Màn chào hỏi của công đoàn sở nội vụ Tỉnh Sơn La
  • Dấu ấn tình nguyện hè xanh
Trang đầu « 1 » Trang cuối 
Sơn La Nỗ lực chuyển đổi số
Lượt xem: 1092
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội, mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, có tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Ngày 31/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về việc chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030, lấy ngày 10/10 hằng năm tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyển đổi số, kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh với đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, thành lập 6 tổ công tác về các lĩnh vực chuyển đổi số để trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Chuyển đổi số là hướng đi đúng, kịp thời, bắt nhịp xu thế, tạo động lực phát triển mới cho Sơn La. Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số. Bên cạnh đó, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... cũng như tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU  ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, qua đó đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện công cuộc Chuyển đổi số của tỉnh trong những năm tiếp theo như: 

anh tin bai

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Sơn La

Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về Chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt. Toàn tỉnh đã thành lập 1.459 Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 8.966 thành viên. Các lĩnh vực về Chuyển đổi số đã được tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng và phát triển, đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; góp phần nâng cao thứ hạng các chỉ số Par Index, PCI, PAPI, SIPAS của tỉnh.

          Tập trung phát huy vai trò của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn để triển khai mạng di động 4G đến tất cả các khu vực tại 12 huyện, thành phố. Trong đó, tập trung kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan nhà nước kết nối từ UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành, 12 huyện, thành phố; duy trì hiệu quả các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung, như: Hội nghị trực tuyến 3 cấp từ tỉnh tới các huyện, xã, phường, thị trấn và các hệ thống thư điện tử công vụ, quản lý văn bản, điều hành… Tỷ lệ xã có hạ tầng băng rộng cáp quang đạt 100%; 100% xã, phường, thị trấn đã triển khai mạng thông tin di động 4G; 93,26% số thôn/bản được phủ sóng băng rộng di động 4G; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 94,86%; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 55,64%. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 876.219 thuê bao, mật độ 67,45 thuê bao/100 dân; Thuê bao Internet băng rộng cố định và các dịch vụ truyền hình, truy nhập khác (Mytv, nextv, truyền hình cáp…) đạt 118.731 thuê bao, mật độ 9.14 thuê bao/100 dân, tỷ lệ người sử dụng internet toàn tỉnh đạt 44,9%...

          Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện, xã của tỉnh Sơn La đạt 100%, hầu hết các máy tính đều được kết nối Internet (trừ số máy tính được dùng để soạn thảo văn bản mật). Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước đã được triển khai, kết nối từ UBND tỉnh đến 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và 204 xã/phường/thị trấn; 100% trung tâm huyện, thành phố được kết nối thông tin quang, trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND của 204/204 xã, phường, thị trấn đã được kết nối mạng Internet phục vụ Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến 3 cấp.

          Công tác đảm bảo an toàn thông tin được triển khai đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp (lực lượng tại chỗ, giám sát chuyên nghiệp, độc lập kiểm tra, kết nối với hệ thống giám sát quốc gia). Hệ thống giám sát an ninh mạng triển khai giám sát, điều phối, tự động hóa và phản ứng an ninh mạng (tại các lớp mạng, lớp máy chủ, lớp ứng dụng) cho hệ thống máy chủ tại trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, bảo vệ các cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước của tỉnh trên nền tảng điện toán đám mây Cloudrity - Silver, hàng năm thực hiện 02 đợt đánh giá lỗ hổng bảo mật hệ thống (Vulnerabitity Assessment).

          Hệ thống phòng chống mã độc tập trung toàn tỉnh triển khai trên 2.000 máy trạm, kiểm soát và thông báo hàng tuần để các cơ quan, đơn vị có phương án xử lý khắc phục kịp thời. Trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, đã phát hiện và xử lý 615 máy tính nhiễm lỗ hổng phần mềm, 159 máy tính nhiễm các virus thông thường, 21 máy tính nhiễm Adware, 09 máy tính nhiễm Keylogger, ngăn chặn 02 máy kết nối nguy hiểm. Tất cả các nền tảng, hệ thống thông tin trước khi được triển khai chính thức đều được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin, đến thời điểm hiện tại đã phê duyệt được 32 Hệ thống thông tin cấp độ 2 và 07 Hệ thống thông tin cấp độ 3.

          Với sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, Tổ công tác thực hiện chuẩn hóa hệ thống thông tin dữ liệu tại Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Sơn La (gọi tắt là Tổ công tác IOC) đã phối hợp, hướng dẫn 28 sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và UBND thành phố xây dựng mẫu biểu, cung cấp số liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành của ngành và báo cáo tổng hợp của UBND tỉnh để xây dựng dữ liệu, biểu đồ giám sát, điều hành trên hệ thống IOC của tỉnh. Trên hệ thống IOC của tỉnh đã có 24 sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, 03 cơ quan ngành dọc (Cục Thuế tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Sơn La), các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã cơ bản hoàn thành hệ thống số liệu và biểu đồ phục vụ cho công tác quản lý điều hành của ngành và công tác tổng hợp báo cáo tình hình, công tác giám sát, điều hành kinh tế, xã hội của UBND tỉnh, các số liệu về thu chi ngân sách, giải ngân đầu tư công đã được cập nhật hằng ngày…

          Để phát triển Kinh tế số, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau; có 1.968/2.063 doanh nghiệp đang kê khai nộp thuế qua mạng (đạt 95,4%); 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán POS không dùng tiền mặt; nhiều doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.

          Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La, khẳng định, quá trình chuyển đổi số đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sự cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đại dịch Covid-19 vừa qua chính là phép thử để khẳng định về tầm quan trọng của chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Quá trình chuyển đổi số đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sự cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

          Triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử: Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai Kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là sàn Postmart.vn, sàn Voso.Vn  nhằm thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn, quảng bá xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La trên sàn thương mại điện tử. Số hộ nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số là 33.702 hộ; số hộ được tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử: 35.275 hộ; số sản phẩm của Sơn La được đưa lên sàn thương mại điện tử là 798 sản phẩm; số giao dịch trên sàn là 23.300 đơn hàng; số sản phẩm OCOP Sơn La được đưa lên sàn là 59 sản phẩm với doanh thu khoảng 3.587 triệu. Sở Công thương đã triển khai thí điểm sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La (https://sannongsansonla.vn), đến nay đã cập nhật thông tin của 112 sản phẩm; 65 đơn vị sản xuất, kinh doanh lên sàn giao dịch. Các sản phẩm đã được cập nhật thông tin về đơn vị sản xuất, chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận sản phẩm OCOP...

          Nói về việc chuyển đổi số của tỉnh Sơn La trong năm 2023, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, nhấn mạnh: Toàn tỉnh tập trung chuẩn hóa dữ liệu cấp huyện, các tổ chức đoàn thể và các ban Đảng trực thuộc Tỉnh ủy; thí điểm trường học thông minh, bệnh viện thông minh; thực hiện Đề án 06 - hoàn thành để kết nối cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai cây ATM mềm đến cấp xã; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp và Tổ công nghệ số cộng đồng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Nhất là tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức, triển khai, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về chuyển đổi số.

          Với niềm tin và khát vọng phát triển, tin tưởng hành trình chuyển đổi số Sơn La sẽ có bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả ấn tượng hơn nữa, vì một Sơn La đổi mới, năng động, phát triển.

Tác giả: Khúc Thị Thu Hằng, Phòng CCHC&VTLT, Sở Nội vụ

 

image advertisement











 Bản quyền thuộc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La.

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 9 tầng - Khu Trụ sở HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh và một số Sở, ban, ngành của tỉnh. Phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lương Thị Như Hoa - Giám đốc Sở


ĐT: Văn phòng sở (0212).3752.630 - Phòng CCHC (0212).3751.890 FAX: (0212).3855.743 
E-mail: snv@sonla.gov.vn - Website:http://sonoivu.sonla.gov.vn
Được thiết lập theo Giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp số: 06/GP-TTĐT ngày 19/6/2019 của Sở Thông tin và Truyền thông.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang