Điểm tin trong ngày
  • Màn chào hỏi của công đoàn sở nội vụ Tỉnh Sơn La
  • Dấu ấn tình nguyện hè xanh
Trang đầu « 1 » Trang cuối 
Củng cố, tạo nguồn cán bộ cơ sở vùng cao Tây Bắc
Lượt xem: 459
Ðể khắc phục tình trạng yếu và thiếu cán bộ ở các xã và thôn, bản vùng cao, các tỉnh khu vực Tây Bắc triển khai nhiều biện pháp để nâng cao trình độ, năng lực cán bộ cơ sở. Một số cách làm hay đã cho kết quả ban đầu.
 9e0ab84e3f0de7d24bdf8746d874e863_l
Nhờ được đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, cán bộ văn phòng UBND xã Vũ Linh, huyện Yên Bình (Yên Bái) luôn giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính cho người dân.
Hiệu quả từ luân chuyển cán bộ Vùng Tây Bắc rộng lớn gồm 12 tỉnh trung du, miền núi và một số huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, là địa bàn sinh sống của hơn 12 triệu người thuộc hơn 30 dân tộc anh em. Ðồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 63%, hơn 80% dân số thuộc khu vực nông nghiệp và nông thôn. Trình độ, năng lực của cán bộ cơ sở vùng cao Tây Bắc còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc. Có nơi, cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc xây dựng nguồn cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, do phụ nữ vùng cao lập gia đình sớm, hầu hết không có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội. Trình độ cán bộ thôn, bản ở một số vùng đồng bào Mông, Dao, Nùng rất thấp, thậm chí nhiều người mới biết đọc, biết viết. Tân Thịnh là xã thuần nông nằm ven TP Yên Bái, đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều vấn đề mới nảy sinh, nhất là việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án của tỉnh. Năm 2009, do để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Ðảng, một số cán bộ chủ chốt của xã bị kỷ luật. Trước tình hình đó, Thành ủy đã điều động đồng chí Nguyễn Xuân Ngọ, Bí thư Ðảng ủy phường Yên Thịnh về giữ chức vụ Bí thư Ðảng ủy, đồng thời làm Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh. Vận dụng những kinh nghiệm công tác trước đây, kết hợp lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân, đồng chí Ngọ đã cùng tập thể cấp ủy xã xây dựng Tân Thịnh thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ trong ba năm, xã đã hoàn thành 12 km đường giao thông nông thôn; xây dựng chín nhà văn hóa thôn; một trạm y tế xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18% xuống 10%. Nhân dân đồng tình hiến 12 nghìn m2 đất làm đường và nhà văn hóa; đóng góp hơn ba nghìn ngày công và 800 triệu đồng xây dựng các công trình phúc lợi. Xã tổ chức giải phóng mặt bằng phục vụ công trình đường tránh ngập của tỉnh liên quan quyền lợi của 283 hộ dân, trong đó có 86 hộ phải di chuyển toàn bộ, nhưng không để xảy ra khiếu nại, tố cáo. Chỉ trong 10 tháng triển khai, nhà thầu xây dựng đã nhận được mặt bằng sạch. Các hộ dân đều được bố trí nơi tái định cư có đầy đủ nước sạch, điện lưới, đường bê-tông, kịp ổn định cuộc sống đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Nói về kinh nghiệm giải quyết công việc liên quan đến đất đai, đồng chí Nguyễn Xuân Ngọ cho biết, lãnh đạo xã phân công cán bộ xã, thôn cùng tuyên truyền, kiểm đếm tài sản, chú trọng công tác giám sát của người dân khi đền bù, giải tỏa; giải quyết các yêu cầu của người dân một cách công tâm, công khai. Những kết quả ban đầu ở Tân Thịnh khẳng định sự đúng đắn của việc điều động, luân chuyển "ngang" cán bộ cấp xã, phường.
 tr4
Đồng chí Triệu Sinh Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, Yên Bái vận động đồng bào Mông ăn Tết tiết kiệm
Ðến với vùng tái định cư Thủy điện Sơn La, chúng tôi có dịp gặp gỡ đồng chí Ngô Quý Ngự, cán bộ được luân chuyển từ Huyện ủy Quỳnh Nhai về làm Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng. Ðây là một trong những cán bộ trẻ có năng lực, được đào tạo bài bản từ trường học đến thực tiễn. Ðồng chí Ngự đã cùng cấp ủy, chính quyền xã hoàn thành nhiệm vụ bàn giao đất sản xuất, ổn định đời sống, sản xuất cho bà con nhân dân trong vùng di dân Thủy điện Sơn La. Sau 5 năm vất vả, nước da đen hơn, gương mặt già dặn hẳn, nhưng anh rất phấn khởi vì theo anh, nhờ được điều động, luân chuyển công tác, anh đã học được nhiều điều từ cơ sở, trưởng thành và tự tin hơn. Trong 10 năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã đưa 79 cán bộ huyện về xã; 27 cán bộ xã về huyện công tác. Nhìn chung, kết quả của việc luân chuyển cán bộ tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, góp phần khắc phục những yếu kém, trì trệ trước đây. Ðồng chí Hoàng Văn Thuyên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái đánh giá: Việc luân chuyển, tăng cường cán bộ từ cấp huyện xuống xã và từ xã về huyện đã cơ bản khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở từng ngành, từng địa phương; khắc phục tình trạng trì trệ, "chủ nghĩa kinh nghiệm" trong điều hành, nhất là đối với hai huyện đặc biệt khó khăn là Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Việc điều chuyển cán bộ, đưa cán bộ diện quy hoạch đi đào tạo, bồi dưỡng đã tạo điều kiện cho cán bộ tích lũy kinh nghiệm ở các lĩnh vực, môi trường công tác khác nhau, giúp họ rèn luyện toàn diện, trưởng thành nhanh hơn. Thu hút đi đôi với đào tạo Sơn La là tỉnh xúc tiến nhanh các giải pháp chuẩn hóa trình độ cán bộ. Có xã cùng lúc cử năm, sáu cán bộ đi học, dẫn đến thiếu người làm việc. Ðể lấp những khoảng trống này, tỉnh chủ trương tăng cường cán bộ từ huyện xuống xã, đồng thời thí điểm triển khai mô hình "chi bộ cụm bản" để tăng cường sức mạnh cho các thôn, bản thưa dân, ít đảng viên. Hằng năm, tỉnh trích từ ngân sách địa phương hơn 120 tỷ đồng chi trả phụ cấp đối với 16 chức danh không chuyên trách ở bản, tiểu khu, tổ dân phố. Một giải pháp khác mà nhiều tỉnh đang triển khai là thu hút sinh viên chính quy tốt nghiệp loại khá, giỏi các trường đại học về công tác tại các xã, phường nhằm tăng cường nhân lực được đào tạo cơ bản cho cấp xã, đồng thời tạo nguồn cán bộ kế cận. UBND thành phố Yên Bái ký hợp đồng với 26 sinh viên đã tốt nghiệp đại học về công tác tại các xã, phường. Thành phố sử dụng nguồn tăng thu để chi trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho những cán bộ này; hỗ trợ 30% mức lương hiện hưởng đối với cán bộ các phòng, ban ở thành phố được điều động làm cán bộ ở phường, 40% đối với cán bộ điều động đi xã; cán bộ phường được điều động sang làm cán bộ xã được hỗ trợ 30%. Anh Triệu Sinh Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, đang tham gia Dự án trí thức trẻ tại các xã đặc biệt khó khăn cho biết: Là người dân tộc Dao, anh phải học thêm tiếng Mông vì xã toàn người Mông, đồng thời phải tìm hiểu tập tục sinh hoạt của đồng bào. Anh đã trưởng thành thêm nhiều từ những công việc mới mẻ như học cách sử dụng máy tính, vận động quần chúng vệ sinh chuồng trại gia súc, cho đến hướng dẫn đồng bào thực hiện Luật Giao thông, không ăn Tết "lai rai" theo phong tục cũ kéo dài cả tháng... Ðể nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức xã, các tỉnh mở nhiều lớp đại học, cao đẳng, trung cấp tại địa bàn, tạo điều kiện cho cán bộ vừa học, vừa làm. Các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang tổ chức các dự án thu hút sinh viên khá, giỏi về các xã đặc biệt khó khăn công tác, nhiều người đã tình nguyện gắn bó lâu dài với địa phương, trở thành công chức tại địa phương. Không chỉ "luân chuyển dọc" và "luân chuyển ngang" cán bộ cấp huyện và cấp cơ sở, tỉnh Hà Giang thí điểm đưa cán bộ xã lên học việc ở huyện khoảng sáu tháng, đưa cán bộ thôn lên học việc ở xã khoảng một tháng. Cách làm đó đã nâng cao tầm nhìn, tính chuyên nghiệp cho cán bộ cơ sở. Cần đầu tư cho cơ sở Ban Chỉ đạo Tây Bắc và ban thường vụ các tỉnh ủy coi việc phát triển nhanh nguồn nhân lực là khâu đột phá chiến lược của toàn vùng, nhân tố quan trọng nhất để bảo đảm an ninh trật tự vùng biên giới. Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, hiện nay toàn vùng có hơn 50% số cán bộ xã, 77% số công chức xã đạt chuẩn về trình độ theo quy định và 44% số cán bộ không chuyên trách (phó các đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản...) được đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, nhìn vào con số này, các tỉnh vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện được các mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Chính phủ. Năm 2009, toàn vùng có 3.500 thôn, bản chưa có chi bộ và 268 thôn, bản chưa có đảng viên, đến nay, chỉ còn 1.848 thôn, bản chưa có chi bộ và 86 thôn, bản chưa có đảng viên. Riêng năm 2013, các tỉnh kết nạp được 21.514 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của toàn vùng lên 660.826 đảng viên. Ðó là kết quả của hàng loạt biện pháp củng cố chi bộ vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều tỉnh có các cách làm hay. Tỉnh Yên Bái tăng cường đảng viên thuộc chi bộ Văn phòng Ðảng ủy, HÐND, UBND xã về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản có ít đảng viên ở một số huyện vùng cao. Những đảng viên này sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản. Bên cạnh nhiệm vụ làm hạt nhân phát triển đảng cho các chi bộ thôn, bản, thì nhiệm vụ hết sức quan trọng là phát hiện nguồn cán bộ, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Nguồn cán bộ thôn, bản chủ yếu là thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người có trình độ từ THCS trở lên. Ðối với các chi bộ yếu kém, một số tỉnh như Ðiện Biên, Hà Giang, Cao Bằng phân công đảng viên là giáo viên, Bộ đội Biên phòng tham gia sinh hoạt cùng chi bộ thôn, bản. Hàng loạt biện pháp tạo nguồn cán bộ tại chỗ, kết hợp giữa giáo dục - đào tạo với bồi dưỡng, luân chuỷên cán bộ của các tỉnh vùng Tây Bắc góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững chắc. Hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đi vào nền nếp, góp phần giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh. Thực tế cho thấy, để xây dựng đội ngũ cán bộ vững chắc và lâu dài cho khu vực Tây Bắc, quan trọng nhất vẫn là đào tạo từ nguồn nhân lực tại chỗ. Do đó, cần tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số để họ đủ sức đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý. Tăng dần tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển các vị trí công việc khác nhau, các tỉnh cần từng bước cải thiện chế độ phụ cấp, chế độ đi công tác, sinh hoạt phí cho cán bộ vùng cao. Các ban, bộ, ngành hữu quan cần phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các tỉnh tổng kết, đánh giá các mô hình luân chuyển cán bộ theo chiều dọc và chiều ngang, đánh giá hiệu quả của các mô hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu một số mô hình làm tốt công tác phát triển đảng vùng trọng yếu, đặc biệt khó khăn, có nhiều đồng bào di cư tự do, làm cơ sở tham mưu cho Ðảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách về cán bộ cơ sở. Chính phủ cần xem xét cân đối giữa đầu tư nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất, nên chăng ưu tiên đầu tư cho con người - xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ, nhằm chủ động nguồn cán bộ cơ sở cho nhiệm kỳ đại hội Ðảng tới, góp phần bảo đảm an ninh cho vùng phên dậu Tây Bắc của Tổ quốc.
Theo: nhandan.com.vn
 

 

image advertisement











 Bản quyền thuộc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La.

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 9 tầng - Khu Trụ sở HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh và một số Sở, ban, ngành của tỉnh. Phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lương Thị Như Hoa - Giám đốc Sở


ĐT: Văn phòng sở (0212).3752.630 - Phòng CCHC (0212).3751.890 FAX: (0212).3855.743 
E-mail: snv@sonla.gov.vn - Website:http://sonoivu.sonla.gov.vn
Được thiết lập theo Giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp số: 06/GP-TTĐT ngày 19/6/2019 của Sở Thông tin và Truyền thông.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang